70 năm giải phóng Thủ đô

Du lịch Hà Nội: Chờ điểm nhấn từ sản phẩm đặc trưng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một nghịch lý là, số lượng du khách đến với Thủ đô ngày càng tăng, nhưng lại giảm về thời gian lưu trú. Lý do chỉ vì Hà Nội đang thiếu vắng những sản phẩm du lịch đặc trưng.

Hấp dẫn nhưng lại thiếu sự đầu tư

Hà Nội sở hữu hơn 5.000 di tích với nhiều khu danh thắng nổi tiếng như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, Hoàng thành Thăng Long, bên cạnh đó là Phố cổ Hà Nội, các làng nghề, phố nghề… Nhưng thời gian qua, việc phát triển du lịch chủ yếu khai thác các tiềm năng sẵn có, chưa có nhiều đầu tư trở lại. Ông Nguyễn Hồng Đài - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (APT Travel) thừa nhận: “Sản phẩm du lịch Hà Nội rất hấp dẫn, song việc quảng bá và truyền thông chưa thống nhất và đồng bộ cho từng sản phẩm, nên chúng ta chưa nhìn thấy sản phẩm đặc trưng rõ ràng. Thực tế Hà Nội có quá nhiều điểm đến nhưng lại chưa có điểm nhấn nào vì hoạt động truyền thông chưa nhiều. Ví dụ như Hoàng thành Thăng Long có mấy ai biết hoặc biết tên nhưng có bao nhiêu khách đến?”.
Du khách tham quan đền Ngọc Sơn. 	Ảnh: Công Hùng
Du khách tham quan đền Ngọc Sơn. Ảnh: Công Hùng
Trong một cuộc hội thảo về tạo điểm đến hấp dẫn cho Hoàng thành Thăng Long, một chuyên gia ngành văn hóa cũng cho rằng, đến Hoàng thành Thăng Long phải tưởng tượng quá nhiều. So sánh với những kinh thành khác trong khu vực, khả năng tạo dựng hình tượng bằng các sản phẩm phục dựng khá đặc sắc thì đây lại là điểm yếu của Hà Nội. Dự án phục dựng điện Kính Thiên rập rình gần 10 năm nay mới khởi động ở việc lập đề án phục dựng. Ngoài ra, một số di tích khác như Cổ Loa, làng cổ Đường Lâm cũng dùng dằng trong nhiều cơ chế để có thể biến thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Bà Đỗ Mai Hương - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Hồ Gươm cũng chia sẻ: “Chúng tôi thường làm tour dài ngày nhưng sản phẩm du lịch Hà Nội chưa thực sự phong phú. Nếu trước kia thời gian lưu trú của khách tại Hà Nội dài ngày thì nay giảm xuống còn một hoặc hai đêm. 20 năm qua du lịch Thủ đô vẫn thế, chỉ đưa khách đi một ngày du lịch nội đô là hết. Vì vậy, TP cần xây dựng thêm sản phẩm du lịch, đặc biệt là phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng để kéo dài thời gian lưu trú của khách”.

Du lịch quanh Hồ Tây sẽ là điểm nhấn

Đơn vị đầu ngành của du lịch Thủ đô (Sở Du lịch Hà Nội) vừa chính thức trở thành đơn vị độc lập hơn một tháng. Nhiệm vụ đặt ra ngay cho những người đứng đầu ngành chính là việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho Thủ đô. Thủ đô Hà Nội có nhiều tài nguyên du lịch. Song nổi bật nhất trong các sản phẩm du lịch là du lịch văn hóa. “Chúng tôi sẽ cố gắng định hình dần gói sản phẩm du lịch xung quanh Hồ Tây và khu phố cũ, phố cổ” – ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh. Ngoài ra, xây dựng những tour tham quan di tích để phát huy lợi thế hơn 5.000 di tích của Thủ đô cũng đang được Sở Du lịch Hà Nội nghĩ đến. Để làm nổi bật loại hình du lịch văn hóa, hiện nay, Hà Nội đã đầu tư cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội…; Xây dựng đề án phát huy không gian lễ hội Gióng…

Đứng trên góc độ DN du lịch, ông Nguyễn Hồng Đài cho rằng: “Một trong những giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội, ngành du lịch cần liên kết các điểm tham quan văn hóa với làng nghề để tạo thành tuyến tour. Ngoài ra, TP có chính sách giá tham quan tại các điểm tốt hơn cho DN, quảng bá cho các điểm đến này nhiều hơn, có chính sách động viên kịp thời cho DN bán tour. Trong đó, xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá cho các điểm đến này rất quan trọng”.

Việc định hình, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng còn dài. Tuy nhiên, với sự ra đời của Sở Du lịch Hà Nội mới đây và định hướng ưu tiên phát triển dòng sản phẩm này, ngành du lịch Thủ đô kỳ vọng sẽ có một diện mạo mới, tiếp tục khẳng định là nơi thu hút khách hàng đầu của cả nước và khu vực.