Thông tin về tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn huyện, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Chương Mỹ Dương Thị Thanh cho biết, nằm ở phía Tây Nam TP Hà Nội, huyện Chương Mỹ được biết đến với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Vô Vi…
Đồng thời Chương Mỹ là huyện dẫn đầu Hà Nội về số lượng làng nghề với 175 làng nghề truyền thống và làng có nghề. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có rất nhiều hồ như: Đồng Sương, Văn Sơn có diện tích khoảng 167ha phù hợp với các hoạt động dã ngoại, câu cá giải trí. Bên cạnh đó còn có tổ hợp khu nghỉ dưỡng và sân golf 36 hố Sky Lake Resort & Golf Club phục vụ đối tượng khách có mức chi tiêu cao.
Trên cơ sở phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương và nằm trong vùng bán sơn địa nên huyện Chương Mỹ thuận lợi cho phát triển cả 3 loại hình du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch làng nghề. Nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng phát triển du lịch, huyện Chương Mỹ đang tập trung xây dựng, hình thành và khai thác một số điểm, tuyến, tour du lịch.
“Đối với các điểm du lịch văn hóa lịch sử, huyện đã quy hoạch tổng thể khu du lịch chùa Trầm với diện tích 50ha để xây dựng mô hình du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái, tu bổ nâng cấp chùa Trầm và chùa Trăm Gian để thu hút khách thập phương”-bà Thanh chia sẻ.
Có tiềm năng không nhỏ, song việc phát triển du lịch của Chương Mỹ chưa tương xứng. Theo thống kê của Phòng Văn hoá Thông tin huyện Chương Mỹ, dù lượng khách du lịch đến với huyện trong những năm gần đây có sự tăng trưởng nhưng số lượng còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do điều kiện vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tài nguyên du lịch chưa được đầu tư, khai thác. Công tác tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Chương Mỹ chưa được quan tâm đúng mức, sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa mang lại sự thỏa mãn và hấp dẫn du khách...
Để khắc phục những bất cập này Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Công nghệ Đông Á) Nguyễn Đức Thắng đề xuất, huyện Chương Mỹ cần xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn kết với sản phẩm làng nghề theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm làng nghề, xây dựng sản phẩm trải nghiệm khác biệt, hướng tới có dịch vụ lưu trú qua đó giúp du khách kéo dài thời gian thăm quan. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, người dân tăng cường truyền thông, quảng bá du lịch văn hóa, nông nghiệp, sản phẩm OCOP tới du khách.
“Sau khi khách trải nghiệm, tham quan di tích, tìm hiểu văn hóa thì sẽ muốn mua các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của họ. Khi đó cộng đồng vừa là chủ thể, vừa được hưởng lợi từ du lịch" – ông Thắng nói.
Việc Sở Du lịch Hà Nội hỗ trợ các huyện ngoại thành phát triển du lịch cộng động, du lịch xanh không chỉ góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển mà còn đa dạng hóa ngành nghề nông thôn.
Đồng thời tạo thêm việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.