Du lịch Khánh Hòa đã mở cửa… vẫn ngóng khách!

VŨ TRUNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỉnh Khánh Hòa đã mở cửa đón khách du lịch ngoại tỉnh từ 16/10 và đang chuẩn bị đón khách quốc tế khi được Chính phủ cho phép vào đầu tháng 11. Tuy nhiên, hiện chỉ có số ít doanh nghiệp hoạt động, số khác vẫn “cửa đóng, then cài”…

Ngập ngừng mở cửa…
Với tỷ lệ tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 ở mức cao và khả năng kiểm soát được dịch bệnh, ngay từ đầu tháng 10, tỉnh Khánh Hòa đã cho phép một số cơ sở lưu trú được đón khách nội tỉnh và đón khách ngoại tỉnh từ 16/10.
Theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa, khách từ các tỉnh, thành có nguy cơ dịch Covid-19 ở cấp độ 1 và 2 (vùng xanh, vùng vàng) nếu đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 sẽ không phải cách ly. Cùng với đó là việc đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đến Khánh Hòa đã thông tuyến, tạo đòn bẩy cho một mùa du lịch khởi sắc hậu Covid-19 tại địa phương vốn đón hơn 7 triệu lượt khách vào năm 2019.
 Nhiều khách sạn trên đường biển Trần Phú và khu phố Tây vẫn đóng cửa dù Khánh Hòa đã đón khách du lịch từ tháng 10.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, du lịch Khánh Hòa chỉ có dấu hiệu phục hồi ở mảng du lịch nghỉ dưỡng, với điểm đến là các resort ở Bãi Dài và hệ thống lưu trú của Vinpearl Nha Trang – những điểm đến ưu tiên cung cấp dịch vụ lưu trú – vui chơi giải trí khép kín. Lượng khách nghỉ dưỡng cũng chưa nhiều, chủ yếu là khách du lịch nội tỉnh. Cụ thể, Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong tháng 10, địa phương này chỉ đón 5.500 lượt khách lưu trú. Đây con số rất nhỏ so với số lượng 50.000 buồng phòng phục vụ khách du lịch hiện có tại Khánh Hòa.
Chạy dọc trục đường biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng, khu phố Tây, nhiều khách sạn vẫn “cửa đóng then cài”. Nhiều khu du lịch nổi tiếng của Khánh Hòa vẫn chưa có dấu hiệu khởi
Tính đến ngày 5/11, Khánh Hòa có 930.374 người tiêm mũi 1 (khoảng 98% dân số trên 18 tuổi) và 762.208 người tiêm mũi 2 (hơn 77 %).
động sau gần hai năm đóng cửa. Hiện tại TP Nha Trang ngoài VinWonders Nha Trang (mở cửa 3 ngày cuối tuần từ ngày 29/10), Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng… là một trong số ít các điểm vui chơi, tham quan mở cửa đón khách. Riêng những dịch vụ vui chơi, giải trí đặc trưng của du lịch Nha Trang như tour tham quan vịnh Nha Trang, tắm bùn, tắm khoáng nóng, lặn biển… vẫn chưa hoạt động trở lại.
Đại diện một khách sạn 5 sao sở hữu hơn 200 phòng trên đường biển Trần Phú cho biết, doanh nghiệp chưa có kế hoạch hoạt động lại vì chi phí vận hành rất cao, trong khi lượng khách lại ở mức thấp.
Ông Trần Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Long Phú, hiện là Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa (KTA) cho biết, Khánh Hòa đã mở cửa đón khách trong nước và Quốc tế, tuy nhiên việc mở cửa cũng phải có lộ trình để đảm bảo an toàn nên không tránh khỏi thị trường khách bị ảnh hường. Hơn nữa, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương, sau 2 năm cầm cự, 4 lần ngừng hoạt động, các doanh nghiệp bị thấm đòn khá lâu, nên việc mở cửa hoạt động lại lần này rất quan trọng.
“Tình trạng dịch vụ thì chờ khách, còn khách thì chờ dịch vụ đã phản ánh phần nào tình hình thực tế của hoạt động du lịch hiện nay. Các công ty lữ hành chỉ có thể lên kế hoạch đưa khách về Nha Trang - Khánh Hòa nếu có được sự đồng hành cam kết từ các nhà cung cấp dịch vụ và thực tế là các đơn vị đang cân nhắc, tính toán phương án mở cửa như việc chọn thời điểm, mở từng phần theo số lượng khách, chỉ mở vào ngày cuối tuần... để cố gắng hết sức mở cửa sớm mong đón khách”- ông Đức cho hay.
 Nhiều điểm vui chơi, giải trí và khu du lịch vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại sau thời gian dài “đóng băng”.
Ngóng khách ngoại tỉnh
Cùng quan điểm với ông Đức, ông Nguyễn Huy Hân - Tổng giám đốc Công ty CP Việt Asian Nha Trang - chuyên phục vụ các tour đi bộ dưới biển cho biết, hiện doanh nghiệp chưa có kế hoạch mở lại các tour do lượng khách còn thấp.
“Không phải trong giai đoạn này du khách cần dịch vụ mà trong bất kỳ giai đoạn nào ngành dịch vụ phát triển sẽ thu hút du khách. Với nhóm khách Nga hoặc nhóm khách có mùa đông lạnh giá họ có thể đến Khánh Hòa du lịch tránh đông với chi phí rẻ hơn rất nhiều tại nước họ và nhóm khách này có thể ở dài ngày trong các resort. Trong khi đó, khách nội địa chỉ đến Nha Trang ngắn ngày nên nếu họ chỉ quanh quẩn trong resort, khách sạn và không có chỗ để chơi họ sẽ không chi một khoản tiền lớn để đến Khánh Hòa”- ông Hân chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, để ngành du lịch sớm phục hồi và thích ứng trong điều kiện phòng chống dịch mới, Sở đã có văn bản hướng dẫn triển khai Kế hoạch thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2. Tại văn bản này, các doanh nghiệp tập trung xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản ứng phó, đáp ứng tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và thông báo cho Sở Du lịch trước khi đi vào hoạt động thay vì phải xin phép thẩm định như giai đoạn 1.
Liên quan đến việc nhiều cơ sở lưu trú, điểm đến, khu du lịch vẫn chưa mở cửa giai đoạn này, bà Thanh cho biết có hai nguyên nhân chính. Đầu tiên là một số địa phương chưa có tỷ lệ tiêm phủ cao, bên cạnh đó là dịch bệnh vẫn bùng phát tại một số tỉnh thành làm người dân ngại di chuyển liên tỉnh và một số doanh nghiệp ở địa phương nói trên vẫn chưa thiết kế chương trình đến Khánh Hòa. Cùng với đó là việc các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện an toàn để đón khách cũng như doanh nghiệp tính toán mức thu không đủ bù chi nên chưa mở cửa.
Cũng theo bà Thanh, để hỗ trợ các doanh nghiệp và thúc đẩy ngành du lịch Khánh Hòa, Sở đã có văn bản gửi 6 đơn vị lữ hành lớn ở TP Hồ Chí Minh đề nghị sớm tổ chức các đoàn khách đến Khánh Hòa như đã thống nhất tại hội nghị “Liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và Khánh Hòa trong điều kiện an toàn, thích ứng với dịch Covid-19”. Sở đang tăng cường liên kết, đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa để thu hút du khách nội địa, chuẩn bị khôi phục thị trường khách quốc tế.
“Trong hoàn cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh từ lưu trú, điểm tham quan đến nhà hàng, lữ hành… cần phải đoàn kết, nỗ lực để vực dậy ngành du lịch của tỉnh. Bởi cơ quan nhà nước chỉ hỗ trợ công tác truyền thông quảng bá, tạo cơ chế và thực hiện một số chương trình liên kết giữa các tỉnh thành còn việc kết nối trong hoạt động của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải tự chủ động”- bà Thanh chia sẻ.
Ngày 21/10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị liên kết du lịch giữa Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Tại hội nghị, các bên thống nhất trong thời gian tới sẽ tiếp tục khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và Khánh Hòa; đẩy mạnh các hoạt động để kích cầu thị trường du lịch nội địa... Cũng tại hội nghị, Sở Du lịch và Vietravel ký kết ghi nhớ hợp tác về xúc tiến, quảng bá du lịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần