Du lịch làng nghề ngổn ngang việc phải làm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, ở một số địa phương, du lịch làng nghề vẫn chưa được khai thác tương xứng tiềm năng. Để du lịch làng nghề thu hút du khách đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người làng nghề.

Phát triển manh mún

Thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó trên 2.000 làng nghề truyền thống, thuộc nhiều nhóm ngành nghề khác nhau. Riêng Hà Nội có 1.350 làng nghề đã được công nhận, hàng trăm làng nghề, phố nghề truyền thống. Tuy nhiên, hoạt động du lịch làng nghề vẫn chưa hút khách do còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Khách du lịch trải nghiệm thực tế tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch trải nghiệm thực tế tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Hoài Nam

Hạn chế lớn nhất của du lịch làng nghề là thiếu chiến lược lâu dài, nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch tại các làng nghề còn thiếu và yếu, hầu như không được chú ý đào tạo. Không chỉ vậy, du lịch làng nghề gần như phát triển mang tính tự phát, nên hiệu quả hút du khách chưa cao. Nhiều địa phương chưa có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển du lịch làng nghề, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ không đảm bảo cho phát triển du lịch. Ở nhiều làng nghề nổi tiếng như làng nghề Đa Sỹ (Hà Đồng), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), Sơn Đồng (Hoài Đức), đường giao thông vào làng xuống cấp trầm trọng, chưa hoàn thiện.

Theo các đơn vị lữ hành, những sản phẩm của các làng nghề còn quá đơn điệu, chưa tính đầy đủ tới nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị hiếu của khách du lịch vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái chia sẻ, khách Tây Âu khi đến Việt Nam rất thích đồ sơn mài, còn khách Nhật hay tìm đến sản phẩm tranh thêu, khách Mỹ lại thích đồ mỹ nghệ bằng gỗ, tre, rơm… Thế nhưng hiện nay, các làng nghề lại quá chú trọng vào thị trường tiêu dùng đồ mỹ nghệ cao cấp phục vụ xuất khẩu, không quan tâm tới thị trường đồ lưu niệm bình dân khi mà thị trường này đang rất sôi động và mang lại nguồn thu lớn. Không chỉ vậy, người dân các làng nghề còn thiếu kiến thức về nghiệp vụ du lịch và khả năng giao tiếp với du khách.

Khách du lịch trải nghiệm thực tế tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch trải nghiệm thực tế tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Hoài Nam

Một yếu tố có tác động mạnh đến tâm lý của du khách là tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề hiện nay cũng là rào cản lớn trong quá trình thu hút, phát triển du lịch. Hơn nữa, các làng nghề chưa xây dựng mối liên kết cũng như chia sẻ trách nhiệm và lợi nhuận giữa du lịch với người dân làng nghề...

Gỡ khó để làng nghề phát triển du lịch

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan nhằm phát huy vai trò của làng nghề trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Theo các chuyên gia du lịch, để khai thác tốt tiềm năng du lịch làng nghề,  ngành chức năng cần khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý; Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, kiến thức cho người dân, cải thiện môi trường, xây dựng các tuyến du lịch làng nghề mới. Thêm vào đó, để trở thành điểm du lịch thì cần được xã hội hóa kinh phí đầu tư, trong đó Nhà nước chỉ đưa ra các cơ chế chính sách, lập ra quy hoạch hoặc có thể hỗ trợ một phần kinh phí các dự án trọng điểm, còn lại phải kêu gọi nhà đầu tư và kinh phí từ làng nghề, để dự án phát huy hiệu quả.

Chính quyền cũng cần quan tâm đầu tư nhiều hơn đến việc quảng bá, tiếp thị hình ảnh, tạo điều kiện cho người làng nghề được tham quan các làng nghề đã làm du lịch để học hỏi kinh nghiệm; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương.

Khách du lịch trải nghiệm thực tế tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch trải nghiệm thực tế tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Hoài Nam
TS Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho rằng, muốn khai thác phát triển du lịch làng nghề bền vững, việc đầu tiên là mỗi người dân phải được giáo dục về văn hóa du lịch. Cùng với đó, các làng nghề cần lựa chọn và phục dựng những nét văn hóa đặc sắc của làng, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống cơ sở lưu trú nhà hàng, dịch vụ giải trí và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành... từ đó xây dựng tour tham quan làng nghề.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, để thu hút du khách đến với làng nghề cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác bảo tồn, quảng bá làng nghề truyền thống, như lập cổng thông tin điện tử, website, ứng dụng du lịch, số hóa di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, thuyết minh tự động với nhiều ngôn ngữ quốc tế, trải nghiệm thực tế ảo…

Bổ sung các giải pháp phát triển du lịch làng nghề trở thành sản phẩm hấp dẫn của Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, ngoài xây dựng sản phẩm mới, địa phương cần chú trọng tới việc bảo vệ cảnh quan, môi trường; Tổ chức lại giao thông nội vùng; Tăng cường kết nối giao thông, du lịch với các địa phương lân cận, đồng thời chủ động liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch có phương án đưa, đón khách nội địa và quốc tế đến làng nghề tham quan, mua sắm…

Tiềm năng du lịch làng nghề Hà Nội thực sự rất to lớn, nếu được tổ chức chuyên nghiệp không chỉ mang lại những giá trị thiết thực về kinh tế mà còn góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.