Du lịch Lục Ngạn - Bắc Giang: Không chỉ có vải thiều

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thu hút du khách đến với tỉnh Bắc Giang đòi hỏi hoạt động phục vụ cần chuyên nghiệp hơn. Đó là ý kiến của các DN du lịch tại Hội nghị Phát động chương trình du lịch “Hương sắc mùa hè Lục Ngạn” năm 2022 tổ chức ngày 14/6.

Sự kiện do Trung Tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức.

Nhiều tiềm năng

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) La Văn Nam chia sẻ, là huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang với khí hậu ôn hòa với diện tích cây ăn quả trên 28.000ha, trong đó có nhiều loại cây đặc sản như vải thiều, nhãn, cam ngọt, bưởi...

Hàng năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để đón khách du lịch thăm quan, trải nghiệm. Từ tháng 1 đến tháng 3 có cam V2 và táo, hoa mận, hoa cam, bưởi và vải; tháng 3 ngắm hoa và trải nghiệm quay mật ong; tháng 5, 6, 7 có vải; tháng 7, 8 có nhãn; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối...

Du khách ghé thăm vườn vải tại Bắc Giang.
Du khách ghé thăm vườn vải tại Bắc Giang.

Đáng chú ý, mùa hè là mùa vải thiều chín, Lục Ngạn được đón nhiều thương nhân trong và ngoài nước, khách du lịch, người lao động khắp nơi về để mua bán, tham quan, trải nghiệm, tham gia các hoạt động trong vụ thu hoạch vải thiều.

Bên cạnh đó, vùng đất Lục Ngạn giàu truyền thống lịch sử, văn hóa; nơi còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt, dân ca Sán Chí, Cao Lan, hát Then của dân tộc Tày Nùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Huyện có nhiều di tích được xếp hạng, tiêu biểu phải kể đến di tích quốc gia chùa Am Vãi, đền Hả. Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa, Lục Ngạn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp như: Hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần thơ mộng, yên bình; suối Cặm, suối Đấy, suối Tà Cang hoang sơ, kỳ vĩ...

“Do đó, để khai thác tiềm năng và phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, UBND huyện tổ chức phát động chương trình du lịch “Hương sắc mùa hè Lục Ngạn” năm 2022 để quảng bá, mời gọi du khách về Lục Ngạn tham quan, trải nghiệm tại các vườn cây, ngắm cảnh đẹp thưởng thức những trái vải thiều đặc sản thơm ngon - trái cây được xác lập là 1 trong 10 món ăn, đặc sản đạt giá trị kỷ lục Đông Nam Á năm 2018. Đây là một chương trình với hướng đi mới của Lục Ngạn trong phát triển du lịch” - ông La Văn Nam cho biết.

Theo đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Lục Ngạn, đến năm 2025, huyện hình thành 7 điểm du lịch được công nhận. Mỗi điểm có từ 10 - 20 hộ dân tham gia làm du lịch, phấn đấu thu hút 1 triệu khách tham quan, trải nghiệm vào năm 2025.

Nhiều khó khăn

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, những năm gần đây, Lục Ngạn có nhiều thay đổi tích cực trong phát triển ngành du lịch. Là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh lớn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh... song hiện nay cơ sở vật chất còn sơ sài, thiếu thốn, cơ sở lưu trú gần như chưa có, đường giao thông đi lại khó khăn... Huyện cần kêu gọi đầu tư, khai thác triệt để thế mạnh địa phương để có thể đón những đoàn khách lớn trong nước và nước ngoài.

Cần thêm nhiều giải pháp thu hút khách đến với Bắc Giang.
Cần thêm nhiều giải pháp thu hút khách đến với Bắc Giang.

Giám đốc Công ty du lịch Sun Smile Travel Vietnam Dương Thanh Hằng phản ánh, hiện du lịch Lục Ngạn vẫn chỉ dừng lại ở tiềm năng, chưa được đầu tư và khai thác. Hạ tầng phục vụ du lịch cơ bản còn thiếu, mạng lưới giao thông đến các điểm có tiềm năng du lịch còn khó khăn, chưa có các bến bãi, điểm dừng đỗ xe; các nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ để phục vụ du lịch còn hạn chế vừa thiếu vừa yếu chưa có nhà hàng, khách sạn chứa được số lượng lớn khách đến ăn, nghỉ; chưa có các điểm du lịch được công nhận và chưa có các hướng dẫn viên du lịch hoạt động trên địa bàn.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện HPA kiến nghị thời gian tới ngành du lịch Bắc Giang cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư hạ tầng cơ sở qua đó khắc phục những khó khăn bất cập hạ tầng cơ sở, qua đó thu hút du khách. Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt hiến kế, muốn thu vốn đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng đòi hỏi tỉnh Bắc Giang có quỹ đất sạch để chuyển thành khu dịch vụ 5 sao đủ sức đón đoàn khách quốc tế lớn “Phát triển dịch vụ du lịch như du lịch thể thao dưới nước như chèo thuyền kayat” - ông Nguyễn Tiến Đạt nêu ví dụ.

Trước kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp du lịch Hà Nội, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh cho biết, để thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa, huyện xác định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có hoạt động đổi mới, sáng tạo; nhiều chương trình kết nối giữa đơn vị du lịch lữ hành với các hợp tác xã, điểm du lịch của huyện, thu hút người dân tham gia và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch…

“Thời gian tới huyện Lục Ngạn sẽ tập trung phát triển giao thông, đồng thời tập trung phát triển nhiều điểm lưu trú, thu hút nhà đầu tư lớn để tạo điểm nhấn, góp phần làm đòn bẩy phát triển du lịch địa phương” - ông Oanh khẳng định.