Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch nông nghiệp: Mỏ vàng cần được khai thác

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy năm gần đây, Hà Nội bắt tay vào khai thác mảng du lịch nông nghiệp, tuy mới manh nha nhưng bước đầu đã được du khách đón nhận.

 Các em học sinh tham gia trải nghiệm tại khu du lịch Hải Đăng, Thanh Trì. Ảnh: Phương Nga
Manh nha phát triển
Hà Nội là địa phương có rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển du lịch sinh thái. Đây là loại hình du lịch đưa du khách trở về với thiên nhiên và đến gần hơn với các hoạt động của cộng đồng dân cư bản địa. Mấy năm gần đây, trên địa bàn TP đã có một số điểm du lịch nông nghiệp hình thành, thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm.

Trang trại Share Farm tại xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ được hình thành từ năm 2017, hoạt động với phương châm kết hợp chia sẻ hài hòa lợi ích giữa nông dân và DN, dưới dự bảo hộ của chính quyền địa phương. Với mong muốn sản xuất nông sản sạch cung cấp cho thị trường Hà Nội, đồng thời cung cấp các dịch vụ du lịch nông nghiệp sinh thái, khi đến đây, khách du lịch được trực tiếp tham gia vào các công việc nhà nông thường ngày như nhặt cỏ, hái rau, nhặt trứng gà, cho bò ăn… “Tuy mới đi vào hoạt động hơn một năm nhưng Share Farm đã liên kết được với hơn 100 trường mầm non trên địa bàn Hà Nội để tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm nông nghiệp” - Tổng Giám đốc Trang trại Share Farm Lương Văn Hùng cho biết.

Cách trung tâm Hà Nội chỉ 15km, khu du lịch trải nghiệm Hải Đăng, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì cũng là một điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn. Trung bình mỗi năm, cơ sở đón hàng chục nghìn lượt khách đến trải nghiệm. Chị Thanh Hương, quận Hà Đông sau khi đưa con đến trải nghiệm tại đây bộc bạch: “Đây thực sự là một trải nghiệm ý nghĩa, giúp các cháu được hòa mình vào thiên nhiên, có thêm kiến thức về nông nghiệp”.

Cần chiến lược dài hơi

Tuy có nhiều dư địa nhưng hiện nay du lịch nông nghiệp còn phát triển manh mún, chủ yếu tập trung ở một số địa phương đã phát triển du lịch như Ba Vì, Sơn Tây, Long Biên… Các điểm du lịch vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lặp. Bà con nông dân vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp mà chưa có đủ các kỹ năng phục vụ du khách. Phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Phát triển trang trại nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch là vấn đề mới, hành lang pháp lý cho hoạt động này còn chưa hoàn chỉnh để thu hút các DN đầu tư. Đối với Hà Nội chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án có giải phóng mặt bằng, trong khi về phía huyện chỉ cấp phép hoạt động cho các trang trại và hộ dân, còn đối với các dự án do DN đầu tư thì phải do TP xem xét cấp phép hoạt động.

Vì vậy, việc cần làm lúc này chính là phải tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN đầu tư vào lĩnh vực này. Song song với đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp, xây dựng bộ tiêu chuẩn về sản phẩm du lịch nông nghiệp từ tên gọi đến nội dung hoạt động, cung cấp kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị sản vật cho các nông hộ, tăng cường vai trò của truyền thông.