Du lịch Sóc Sơn: Nâng tầm thương hiệu

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định du lịch, dịch vụ du lịch là ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển của địa phương, huyện Sóc Sơn đã xây dựng đề án chi tiết để triển khai thực hiện trong những năm tới.

Hiệu quả kinh tế lớn

Nhắc tới Sóc Sơn, du khách thập phương nghĩ ngay tới khu di tích lịch sử đền Sóc – nơi có lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin huyện, mỗi năm khu di tích lịch sử tâm linh này đón từ 120.000 – 130.000 lượt du khách tới viếng thăm, trong đó có khoảng 1.000 lượt khách nước ngoài. Nhưng Sóc Sơn không chỉ có khu di tích lịch sử đền Sóc, mà còn có tới 50 di tích khác được xếp hạng cấp quốc gia và TP. Trong số đó có rất nhiều công trình mang giá trị lớn về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Điển hình như: Đền Thanh Nhàn (xã Thanh Xuân), đền Sọ (xã Phù Lỗ) hay đình Phù Xá Đoài (xã Phú Minh)… 
Lễ hội Gióng hàng năm thu hút một lượng lớn du khách thập phương đến với huyện Sóc Sơn.
Lễ hội Gióng hàng năm thu hút một lượng lớn du khách thập phương đến với huyện Sóc Sơn.
Cùng với phát huy giá trị của các di tích lịch sử nêu trên, cơ sở hạ tầng cho dịch vụ du lịch cũng được huyện Sóc Sơn quan tâm đầu tư, mở rộng nâng cấp. Nhiều hạng mục công trình được đưa vào sử dụng như khu nghỉ dưỡng sinh thái Đồng Đò, sân golf Minh trí… đã và đang góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện. Bên cạnh các điểm đến tham quan, dịch vụ nghỉ dưỡng và ăn uống cũng được các DN, hộ gia đình đẩy mạnh đầu tư. Thống kê cho thấy, 5 năm trở lại đây, nguồn thu từ các hoạt động này đạt trung bình từ 35 – 40 tỷ đồng/năm. Quan trọng hơn, đã giúp giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động.

Chú trọng phát triển bền vững

Thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế trong phát triển du lịch tại địa phương, ông Đoàn Văn Sinh – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Sóc Sơn cho rằng, hoạt động du lịch mới tập trung vào du lịch tâm linh, còn thiếu những sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn du khách, chưa phát huy hết tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Cùng với đó, chưa có nhiều công ty lữ hành quan tâm khai thác du lịch tại địa phương… Nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển ngành du lịch, huyện Sóc Sơn đã xây dựng và từng bước triển khai Đề án “Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Sóc Sơn giai đoạn 2016 – 2020”. Mục tiêu đến năm 2020, tổng lượng khách du lịch đến Sóc Sơn đạt 550.000 lượt người, tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt 150 – 200 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, huyện Sóc Sơn đã đề ra 5 giải pháp trọng tâm. Trong đó tập trung vào việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, theo quy hoạch phát triển du lịch của TP Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2030, huyện Sóc Sơn sẽ là một trong những “không gian du lịch” của Thủ đô. Việc hạ tầng giao thông được kết nối ngày một đồng bộ là điều kiện thuận lợi để huyện nâng tầm thương hiệu du lịch. Bên cạnh đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở: VH&TT, Du lịch, các cơ quan thông tấn của T.Ư, TP nhằm quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch của địa phương. Ông Phương cũng nhấn mạnh, bên cạnh mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành du lịch, huyện đặc biệt chú trọng tới công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Điều này sẽ đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch địa phương trong giai đoạn tới, cũng như những năm tiếp theo.