Du lịch tăng tốc đón khách quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đạt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 đòi hỏi ngành du lịch có sản phẩm mới để thu hút du khách chọn Việt Nam làm điểm đến tham quan và mua sắm.

Du lịch quốc tế phục hồi

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, trong tháng 7/2024 ngành du lịch Việt Nam đã đón được 1,15 triệu lượt khách quốc tế, lũy kế 7 tháng qua đã có gần 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 26%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,1 triệu lượt (chiếm 21,4%).

Khách du lịch quốc tế tham quan di tích văn hóa Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch quốc tế tham quan di tích văn hóa Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Chia sẻ việc đón du khách quốc tế, Giám đốc tiếp thị - công nghệ thông tin BenThanh Tourist Trần Phương Linh cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường du lịch quốc tế của doanh nghiệp này có sự tăng trưởng vượt bậc. Ước tính lượng khách và mức doanh thu du lịch quốc tế của công ty tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023.

Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights về lượng tìm kiếm du lịch Việt Nam trong quý 2/2024 cho thấy, lượng tìm kiếm nhất là du lịch TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, 2 trung tâm trung chuyển lớn và là điểm đến lý tưởng cho du lịch khám phá di tích lịch sử, thưởng thức ẩm thực truyền thống đặc sắc.

Lý giải nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam đang bứt tốc trong hoạt động thu hút du khách quốc tế, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Thế Bình nêu rõ, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi, cùng với các chương trình kích cầu xúc tiến du lịch đã tạo cú hích mạnh giúp ngành du lịch tăng tốc trong cuộc đua hút khách quốc tế.

Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) thu hút du khách quốc tế tham quan. Ảnh: Hoài Nam
Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) thu hút du khách quốc tế tham quan. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc nới lỏng việc cấp visa, để thu hút khách quốc tế còn bởi hoạt động ký kết trao đổi khách 2 chiều giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác quốc tế như VITA và Văn phòng Đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam. Hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ MOU về hợp tác nhằm thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa 2 nước.

Đồng thời Cục Du lịch Quốc gia liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá, kết nối kinh doanh du lịch tại thị trường Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản từ đó xây dựng các chương trình du lịch song phương mang tính chuyên nghiệp cao. “Sau đại dịch, những xu hướng du lịch mới đã nhanh chóng được áp dụng để điều chỉnh theo những thay đổi trong hành vi của khách hàng, việc hợp tác trao đổi khách du lịch cũng là một hướng hợp tác nhằm tăng cường kết nối các điểm đến trao đổi khách”- ông Bình nhấn mạnh.

Để du khách mở hầu bao

Theo các chuyên gia, mặc du ngành du lịch đã trở lại đường đua thu hút khách quốc tế nhưng vấn để quan trọng hơn cả là làm cách nào để du khách chấp nhận mở hầu bao tiêu tiền khi đến Việt Nam.

Kết quả khảo sát của Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, tổng chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 1200 USD cho tour 9 ngày. Trong đó, chi phí chủ yếu cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống lên đến 56-60%; mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%, còn lại là chi phí khác.

Trong khi du khách đến Thái Lan, Malaysia chấp nhận mức chi trả 2.400 - 2.500 USD/người, trong đó chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí chiếm 40-50%, thậm chí đến 60-70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch. Nguyên nhân là bởi du lịch Việt Nam đang thiếu vắng các dịch vụ vui chơi, mua sắm phục vụ nhu cầu của khách quốc tế.

Theo các chuyên gia du lịch, để kích thích du khách tiêu tiền, đòi hỏi ngành du lịch cần có nhiều hơn dịch vụ mua sắm và vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe... Để kích thích du khách mua sắm Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu khuyến cáo, để hướng đến phát triển bền vững, khai thác du lịch hiệu quả hơn, đòi hỏi các địa phương cần có nhiều trung tâm thương mại cao cấp, các cửa hàng outlet và dịch vụ giải trí về đêm.

Bên cạnh đó, cần có các làng nghề chế tác đồ thủ công mỹ nghệ sản xuất ra những mặt hàng lưu niệm đặc trưng để giới thiệu với du khách khách thay vì chỉ có những sản phẩm thủ công túy. Ngoài ra địa phương nên triển khai các tuần lễ giảm giá lớn vào những thời điểm nhất định cũng góp phần thu hút nhiều hơn nữa lượng khách đến Việt Nam. “Nhân dịp lễ Ramadan của người Hồi giáo, Malaysia đã tổ chức sự kiện giảm giá hàng hóa và dịch vụ quy mô lớn trên toàn quốc, qua đó thu hút du khách:-ông Siêu nêu ví dụ.

Đồng tình với khuyến cáo này, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho rằng, để du khách có thể chi tiêu nhiều ở Việt Nam đòi hỏi doanh nghiệp lữ hành đa dạng sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng.

“Hơn nữa, công nghệ thương mại điện tử càng phát triển thì con người sẽ tìm đến các phương thức nhanh gọn, giản tiện hơn. Vì thế, các doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với nhà bán lẻ đầu tư vào hệ thống thương mại điện tử, đón đầu ngay từ bước quảng bá phía nước bạn, thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam” - ông Thản hiến kế.

Du khách quốc tế tham quan Hà Nội bẳng xe bus 2 tầng. Ảnh: Hoài Nam
Du khách quốc tế tham quan Hà Nội bẳng xe bus 2 tầng. Ảnh: Hoài Nam

Chia sẻ về việc Hà Nội đang tạo dựng những điểm mua sắm phục vụ khách du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, TP Hà Nội đang đẩy mạnh việc tạo ra sản phẩm mới như mô hình “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội”.

Ngoài ra, TP Hà Nội đã quy hoạch khu Outlet trên tuyến đường ra sân bay Nội Bài, thuộc huyện Sóc Sơn, qua đó có thể tập hợp các sản phẩm OCOP chất lượng tốt phục vụ khách du lịch. Đây là yếu tố thuận lợi để Hà Nội đẩy mạnh việc hỗ trợ làng nghề đưa sản phẩm tới khách du lịch trong thời gian tới.

Đóng góp của chuyên gia cho thấy để có thể kích thích du khách tiêu tiền nhiều hơn,  cần  phải cần thêm nhiều hơn nữa các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là các điểm vui chơi giải trí về đêm. Từ đó, mới có thể níu giữ khách tăng thời gian lưu trú, gia tăng lợi ích cho địa phương, người dân và doanh nghiệp.