Du lịch Tết: Vẫn còn nạn “chặt chém”

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, người dân tưng bừng xuất hành du Xuân. Lựa chọn ăn Tết xa nhà, du Xuân nước ngoài của nhiều gia đình và bạn trẻ mang đến cho họ không ít trải nghiệm thú vị nhưng một số người lại “rước bực” vì giá dịch vụ tăng đột biến.

Lữ hành thắng lớn
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các hãng lữ hành đều cho hay, sau Tết Nguyên đán là thời gian bùng nổ của loạt tour hành hương và ngắm hoa Xuân nở rộ trên khắp thế giới. Các tour này được nhiều DN du lịch thiết kế với lịch khởi hành liên tục từ mùng 2 Tết đến hết tháng 4/2018.
 Sau Tết Nguyên đán là thời gian bùng nổ của loạt tour hành hương và ngắm hoa Xuân
Nổi bật nhất trong chùm tour du Xuân là tour gắn liền với chủ đề hoa và các mùa lễ hội trong và ngoài nước. Trong đó, rất nhiều khách chọn các tour miền Bắc, hành hương tới lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử - chùa Ba Vàng - thiền viện Cái Bầu (Quảng Ninh), đền Hùng (Phú Thọ), Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), Đền Trần - Phủ Giày (Nam Định)... hay tour ngắm hoa Anh đào, Tử đằng, Oải hương tại Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan; mùa hoa cải Hàn Quốc, Trung Quốc; lễ hội hoa Tulip tại vườn hoa Keukenhof (Hà Lan)...

Theo Sở Du lịch Hà Nội, tình hình đón khách của các hãng lữ hành tăng khá. Tiêu biểu như: Công ty CP Lữ hành quốc tế Kim Liên trong 5 ngày từ 14 – 18/2/2018 phục vụ 800 lượt khách, tăng 300% so với cùng kỳ năm trước. Từ ngày 14 – 20/2, Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist tại Hà Nội đón 1.413 lượt khách, tăng 5%; Chi nhánh Công ty CP Dịch vụ Du lịch Bến Thành tại Hà Nội đón 320 lượt khách, tăng 18%; Chi nhánh Công ty TNHH Tiếp thị giao thông và vận tải Vietravel đón 3.395 lượt khách, tăng 10%; Công ty CP Hanoi Redtours đón 508 lượt khách, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2017…

Giá tăng, du khách dễ tính

Tại Hà Nội, nhiều chương trình và lễ hội chào đón Tết mang không khí cổ truyền dân tộc được tổ chức thành công đã thu hút nhiều khách du lịch và người dân trên địa bàn TP đến vui chơi. Hầu hết các du khách đều cảm thấy phấn khởi khi du Xuân ở Thủ đô. Bà Phạm Thị Lý (du khách đến từ TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Tết Mậu Tuất, gia đình tôi du Xuân ở Hà Nội từ mùng 2 - 6 tháng Giêng. Chuyến đi rất thú vị vì tại các lễ hội và điểm đến du lịch, an ninh trật tự được đảm bảo, lượng người đông nhưng không có hiện tượng trộm cắp, chèo kéo, chặt chém”.

Trong khi đó, một số người lại “rước bực” ngay những ngày đầu năm do giá dịch vụ ăn uống, gửi xe... tăng giá gấp nhiều lần so với ngày bình thường. Anh Trần Đức Thắng (du khách đến từ Nam Định) bày tỏ bức xúc khi phải trả 100.000 đồng cho 1 bát bún riêu ở khu vực Hàng Da (Hoàn Kiếm) ngày mùng 4 Tết trong khi ngày thường có giá 25.000 đồng/1 bát tương tự. Một trong những "điểm đen" nữa về nạn chặt chém ngày Tết là dịch vụ gửi xe tại các địa điểm tâm linh như chùa, đền, miếu, đình... tăng gấp nhiều lần. Cụ thể, giá gửi xe máy dao động trong khoảng 10.000 - 20.000 đồng/chiếc và 50.000 - 100.000 đồng cho ô tô.

Không chỉ du khách, các DN lữ hành cũng phải đau đầu vì nạn tăng giá dịch vụ vô tội vạ trong ngày Tết. Như chia sẻ của Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Nguyễn Tiến Đạt: “Tổ chức tour nội địa ngày Tết không hề đơn giản vì các điểm đến gần như đều quá tải, khan hiếm hướng dẫn viên và khó thuê xe, giá các dịch vụ lại tăng từ 10 – 50%. Thực tế, TransViet đã phải từ chối rất nhiều khách hàng nếu họ đặt tour muộn. Tour nước ngoài có phần thuận lợi hơn song nhiều quốc gia châu Á đều có lượng khách Trung Quốc tăng đột biến nên việc đặt dịch vụ cũng gặp nhiều khó khăn.

Ngày Tết, khách hàng thường chấp nhận trả giá cao để tránh cãi vã, xui xẻo cả năm khiến các chủ kinh doanh hét giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế, thậm chí “chặt chém” du khách. Dù việc “chặt chém” chỉ xảy ra vào những ngày Tết, nhưng lại khiến các “Thượng đế” vô cùng búc xúc. Và nhìn nhận dài hạn, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới bộ mặt du lịch của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.