Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch “thử vàng” TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho phép các nước trong khối mở cửa hoàn toàn thị trường du khách của nhau kể từ năm 2018.

Giới chuyên môn nhận định, nếu ngành du lịch Việt Nam chuẩn bị hời hợt thì chẳng những không đón được dòng khách trong nội khối TPP, mà còn đối mặt với nguy cơ “thua trên sân nhà”.

Cơ hội và thách thức

Đánh giá về những thuận lợi và cơ hội mở ra cho Việt Nam khi tham gia TPP, giới chuyên môn cho rằng, Hiệp định sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như quốc tế. Xuất khẩu có cơ hội tăng mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ chuyển biến mạnh, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Ở góc độ DN, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Vietrantour Lê Công Năng tin tưởng: TPP sẽ đem lại sự gia tăng dòng du khách quốc tế, cũng như tăng cường mật độ và quy mô các loại hình du lịch - kinh doanh, du lịch - hội họp ngay trong nội khối TPP, khi điều kiện đầu tư và di chuyển lao động giữa 12 nước thành viên được nới lỏng. Mặt khác, việc các DN nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam luôn đem lại điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch.
Khách quốc tế tham quan Khu phố cổ Hà Nội. 	ảnh: Phạm Hùng
Khách quốc tế tham quan Khu phố cổ Hà Nội. ảnh: Phạm Hùng
DN trong nước có thể đón nhận nhiều thời cơ để gia tăng nguồn vốn, tăng cường quy mô hoạt động kinh doanh, đầu tư, nghiên cứu, khảo sát, vận hành nhiều sản phẩm du lịch thông qua hình thức liên doanh, tiếp nhận vốn đầu tư từ DN, nhà đầu tư các nước thành viên nội khối TPP. Còn du khách quốc tế sẽ được làm thủ tục thuận lợi, dịch chuyển nhanh và rẻ hơn nhờ những cam kết về nhập cảnh trong khuôn khổ TPP. Nhìn ở góc độ khác, bà Hà Diệu Huyền - phụ trách marketing và truyền thông Khách sạn Metropole Hà Nội cho rằng, dòng khách hạng sang sẽ gia tăng khi họ tới tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Đây cũng là đối tượng giúp khối khách sạn và resort cao cấp nâng doanh thu trong thời gian tới.

Mang đến nhiều cơ hội, nhưng những thách thức mà TPP đưa lại cho du lịch cũng không ít. Theo các nội dung đàm phán của Hiệp định, mở cửa lĩnh vực dịch vụ sẽ không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên với nhau và cả nhà cung cấp dịch vụ trong nước cũng như nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực cho ngành du lịch do sự cạnh tranh không cân sức về vốn, công nghệ, trình độ, nhất là khả năng nắm bắt thị hiếu, tâm lý người tiêu dùng của DN du lịch trong nước đang ở khoảng cách rất xa so với các DN nước ngoài.

Bộ lọc giữ lại doanh nghiệp "khỏe"

Là người có kinh nghiệm mấy chục năm trong ngành du lịch, Giám đốc Hanoitourist Lưu Đức Kế bày tỏ sự lo lắng: “Trong trường hợp DN lữ hành nước ngoài được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thì đây là điều vô cùng bất lợi với các hãng lữ hành trong nước”. Bởi theo ông Kế, tình trạng cạnh tranh giữa các DN kinh doanh dịch vụ, du lịch trong nước hiện đã rất gay gắt, nếu phải đương đầu với các DN nước ngoài thì nắm chắc phần thua, do họ mạnh hơn nhiều lần cả về vốn, trình độ. Đặc biệt, TPP cho phép DN du lịch nước ngoài vào khai thác thị trường khách Việt Nam đưa đi nước ngoài hoặc tự tổ chức cho khách nước ngoài vào du lịch ở Việt Nam mà không cần đối tác trong nước. Hiện, hầu hết các hãng lữ hành Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, còn những DN của nước ngoài đều hoạt động ở quy mô đa quốc gia, thực chất từ nhiều năm nay, họ đã “đóng cọc” ở thị trường Việt Nam thông qua liên doanh hoặc dưới danh nghĩa của công ty trong nước. Một khi TPP được thực thi, họ sẽ hợp thức hóa và bung hoạt động ra mạnh hơn rất nhiều.

Đáng lo hơn là DN Việt Nam không thể chủ động được nguồn khách từ nước ngoài vào mà phải phụ thuộc ở các đối tác ngoại quốc. Trong khi đó, nhiều công ty lữ hành đa quốc gia đang giành thị phần ở Việt Nam bằng các chiêu hạ giá. DN trong nước buộc phải giảm giá tour theo họ để giữ thị trường, giữ đối tác và giữ khách. Bởi thế, các chuyên gia cảnh báo, ngay từ bây giờ, ngành du lịch Việt Nam phải chuẩn bị kỹ nội lực. Các DN du lịch phải tập trung vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ, năng lực phục vụ, đổi mới sản phẩm thì mới mong không để thị trường tiềm năng này rơi vào tay DN nước ngoài.

Biết là "cuộc chiến" sắp tới sẽ vô cùng cam go, tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, dù là thách thức nhưng đây cũng là điều kiện để DN Việt Nam thay đổi phương thức làm ăn. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, thách thức không có nghĩa là sẽ phải… “chết”. Trong bối cảnh các hãng lữ hành phát triển nở rộ trong thời gian gần đây, quá trình thực hiện TPP như một bộ lọc giúp giữ lại những DN “khỏe”. Giới DN hy vọng, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ quản lý chặt DN nước ngoài, đặc biệt là vấn đề quản lý lợi nhuận họ thu về. Câu chuyện các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển giá tại Việt Nam là bài học đắt giá trong quản lý. Do đó, các cơ quan thuế phải học hỏi các nước khác để thu đúng, thu đủ, tránh tình trạng những DN này thu lợi nhuận, cạnh tranh với các DN Việt nhưng lại không nộp thuế.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Vietravel:
Tổ chức lại thị trường
 Tham gia vào TPP, các DN du lịch Việt Nam sẽ không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải “chiến đấu” với các đối thủ khổng lồ nước ngoài ngay tại thị trường trong nước. Những đối thủ này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn và thách thức. Chỉ nghĩ đến các hãng du lịch lớn này đặt chân vào Việt Nam là đã lo, vì có công ty có số lượng máy bay còn nhiều hơn của Vietnam Airlines. Câu chuyện đặt ra là chúng ta cần phải tổ chức lại thị trường du lịch trước năm 2018, thời điểm TPP có hiệu lực. Mặt khác, tham gia TPP buộc DN du lịch trong nước phải chủ động giữ thị trường khách Việt và tăng cường năng lực thu hút khách ngoại, nếu không muốn trắng tay. Do đó, thay vì chờ những sự kiện quảng bá chung của ngành du lịch, thay vì ở thế bị động chờ khách tới văn phòng công ty, Vietravel đã chủ động tổ chức hội chợ lữ hành. Chỉ trong 2 ngày, số lượng tour bán ra quy đổi thành tiền lên đến 18 tỷ đồng.
Chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn:
Cạnh tranh bằng nội lực
Giai đoạn hội nhập không phải là thời đóng cửa thị trường để bảo hộ mà phải cạnh tranh bằng chính năng lực của mình. Trong du lịch, cạnh tranh đó phải xuất phát từ dịch vụ chất lượng và giá cả. Chắc chắn, ban đầu các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam sẽ lo cho khách của họ vào Việt Nam, sau đó sẽ tiếp cận khách trong nước có nhu cầu du lịch nước ngoài để đưa đến nước họ hoặc quốc gia thứ ba. Vì thế, các DN Việt Nam phải nắm được thị trường trong nước. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho DN du lịch, nhằm tạo ra các DN lớn, là “đầu tàu” để đối trọng với các hãng lữ hành nước ngoài. Bởi lẽ, du lịch đã được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần mở những văn phòng đại diện du lịch ở các nước trong khối TPP để điều phối thị trường. Từ đó giúp DN Việt Nam nối dài cánh tay vào chính thị trường của các nước TPP để lấy khách quốc tế chứ không chỉ lo giữ thị trường khách Việt của mình.
TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội:
Thực hiện nhiều giải pháp
Để khai thác tốt các cơ hội từ TPP, ngành du lịch Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là phải tập trung thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP và Chỉ thị số 14/CT-TTg. Chúng ta phải kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khác như giao thông, hàng không, thương mại, ngoại giao; cải thiện năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, củng cố thương hiệu du lịch quốc gia và đảm bảo môi trường du lịch địa phương; quản lý cạnh tranh lành mạnh và giải quyết triệt để tình trạng đeo bám khách, trộm cắp; ATGT, VSATTP cần được tăng cường. Đồng thời, thực hiện niêm yết và bán theo giá niêm yết phải được đảm bảo. Đặc biệt, cần chuẩn bị và triển khai tốt “Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long”. Song song với đó là tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch; tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo phổ biến thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN; tham dự hiệu quả các sự kiện tại các hội nghị, diễn đàn song phương, đa phương và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch hiện đại và chuyên nghiệp hơn tại nước ngoài...