Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch “vùng đất trăm nghề” cất cánh?

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp SEA Games 31 đang diễn ra, các làng nghề ở Hà Nội, như Bát Tràng, đã đổi mới phương thức, cách làm du lịch mới nhằm thu hút du khách nước ngoài. Liệu SEA Games có là dịp để du lịch các làng nghề cất cánh?

Ấn tượng từ làng nghề gốm Bát Tràng

Trong những ngày này, làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm) đang tất bật chuẩn bị cho đón khách SEA Games 31. Xã Bát Tràng đã phối hợp cùng Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng tour xe đạp từ trung tâm Hà Nội về Bát Tràng.

Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái chia sẻ, tour xe đạp hành trình "Dấu chân làng cổ Bát Tràng" do Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng là sản phẩm độc đáo trong nhiều sản phẩm Hà Nội đã xây dựng để chào đón du khách đến Thủ đô dịp SEA Games 31.

Du khách tham quan làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Thu Hương
Du khách tham quan làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Thu Hương

Tham gia tour xe đạp “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về không gian kiến trúc, lối sống và những giá trị văn hóa, tìm hiểu các công đoạn sản xuất gốm sứ truyền thống đã có lịch sử hàng trăm năm của người dân làng Bát Tràng...

“Việc tổ chức tour đi đến làng nghề bằng xe đạp là cách để du khách kết nối một cách mộc mạc và ấn tượng trên đường đi từ phố nghề đến làng nghề” - ông Thái nhấn mạnh. Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, nhằm thu hút du khách đến thăm quan làng cổ Bát Tràng trong thời gian diễn ra SEA Games 31, huyện Gia Lâm đã khai trương một số điểm mua sắm, ăn uống; Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt tổ chức triển lãm giới thiệu về những tinh hoa của nghề gốm, văn hóa, lịch sử làng nghề.

Thực tế cho thấy để tạo hình ảnh đẹp về làng nghề truyền thống trong mắt bạn bè quốc tế, người dân xã Bát Tràng đã chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, mua hoa cây cảnh trang trí trục đường chính. Chính quyền xã triển khai phương án đảm bảo giao thông, hạn chế những xe ô tô tải trọng lớn vào làng giờ cao điểm và ngày cuối tuần. Riêng các DN, cơ sở sản xuất cũng đang tích cực sản xuất quà tặng in hình biểu tượng, linh vật SEA Games 31 phục vụ du khách khi đến tham quan.

Gỡ khó để làng nghề phát triển du lịch

Thực tế cho thấy, dù TP Hà Nội được mệnh danh là “vùng đất trăm nghề”, với số lượng các làng nghề lên đến 1.300 nhưng việc phát triển du lịch lại không hề dễ dàng.

Phân tích nguyên nhân khiến du lịch làng nghề chưa phát triển như mong muốn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, hiện du lịch các làng nghề vẫn chủ yếu hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, tự phát triển, tự sản xuất và tìm đầu ra. Cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ du lịch còn bất cập, sản phẩm phục vụ du khách chưa đặc sắc, ít độ tinh xảo, thiếu tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Du khách tham gia tour đạp xe khám phá Bát Tràng do Hanoitourist tổ chức đón SEA Games 31.Ảnh: Hoài Nam
Du khách tham gia tour đạp xe khám phá Bát Tràng do Hanoitourist tổ chức đón SEA Games 31.Ảnh: Hoài Nam

Ngoài ra, hầu hết các công đoạn sản xuất thủ công đã được thay thế nhiều bằng máy móc, công nghệ hiện đại khiến làng nghề dần mất đi những nét truyền thống trong sản xuất, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển du lịch.

Không chỉ vậy, người dân các làng nghề còn thiếu kiến thức về nghiệp vụ du lịch và khả năng giao tiếp với du khách. Một yếu tố có tác động mạnh đến tâm lý của du khách là tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề hiện nay cũng là rào cản lớn trong quá trình thu hút, phát triển du lịch.

Hơn nữa, việc các làng nghề Hà Nội chưa thực sự trở thành điểm thu hút khách còn do các công ty du lịch chưa xây dựng mối liên kết cũng như chia sẻ trách nhiệm và lợi nhuận giữa DN lữ hành với người dân làng nghề...

Từ thực tế đó, TS. Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho rằng, muốn khai thác phát triển du lịch làng nghề bền vững việc đầu tiên là mỗi người dân phải được giáo dục về văn hóa du lịch. Cùng với đó, các làng nghề cần lựa chọn và phục dựng những nét văn hóa đặc sắc của làng, từ đó tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống cơ sở lưu trú nhà hàng, dịch vụ giải trí và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành... từ đó xây dựng tour tham quan làng nghề.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, hiện nay mô hình du lịch nông nghiệp - nông thôn Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, tuy nhiên phần lớn là do người dân địa phương tham gia và phát triển sản phẩm dịch vụ liên quan đến du lịch theo hướng tự phát. Chính vì vậy, họ chưa có đủ điều kiện tiếp cận công nghệ mới để ứng dụng quảng bá sản phẩm của mình.

Để khắc phục bất cập, từ đó để thu hút du khách đến với làng nghề cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác bảo tồn, quảng bá làng nghề truyền thống như lập cổng thông tin điện tử, website, ứng dụng du lịch, số hóa di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, thuyết minh tự động với nhiều ngôn ngữ quốc tế, trải nghiệm thực tế ảo…

Bổ sung các giải pháp phát triển du lịch làng nghề trở thành sản phẩm hấp dẫn của Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, ngoài xây dựng sản phẩm mới, địa phương cần chú trọng tới việc bảo vệ cảnh quan, môi trường; tổ chức lại giao thông nội vùng; tăng cường kết nối giao thông, du lịch với các địa phương lân cận, đồng thời chủ động liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch có phương án đưa, đón khách nội địa và quốc tế đến làng nghề tham quan, mua sắm…

“Các địa phương cần quan tâm đầu tư nhiều hơn đến việc quảng bá, tiếp thị hình ảnh làng nghề trên các phương tiện truyền thông, tạo điều kiện cho người làng nghề được tham quan các làng nghề đã làm du lịch để học hỏi kinh nghiệm; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương” - bà Giang nhấn mạnh.

Tiềm năng du lịch làng nghề Hà Nội thực sự rất to lớn, nếu được tổ chức chuyên nghiệp không chỉ mang lại những giá trị thiết thực về kinh tế mà còn góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.

 

"Từ năm 2019 đến nay, để thu hút du khách, xã Bát Tràng đã đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào một số sản phẩm du lịch như ứng dụng thông minh (app) du lịch Bát Tràng, qua đó hướng dẫn, cung cấp thông tin tham quan làng nghề, tìm hiểu văn hóa, tham quan công trình, kiến trúc, văn hóa ẩm thực... cho du khách. App du lịch thông minh của Bát Tràng bao gồm tất cả chủ đề của Bát Tràng, bao gồm 23 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh sách các nghệ nhân, các dòng sản phẩm gốm… du lịch thông minh sẽ giúp du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin, có sự chuẩn bị trước khi tham quan làng nghề Bát Tràng." - Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi