70 năm giải phóng Thủ đô

Du lịch xanh: Cơ sở để phát triển bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững cần bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử… đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo "Du lịch nguồn năng lượng phát triển bền vững" (11/10), trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ XI, Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA).

Nhiều thách thức

Mặc dù kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn nhưng lượng khách quốc tế đến châu Á vẫn tăng mạnh, qua đó giải quyết việc làm cho người dân, cải thiện kinh tế. Tuy nhiên, kèm theo đó là môi trường tự nhiên bị khai thác cạn kiệt, văn hóa bản địa bị biến đổi.

Ngày 11/10, CPTA đã ra tuyên bố chung trong kỳ họp lần thứ XI tổ chức tại Hà Nội. Theo đó, các thành phố quyết định xây dựng, thống nhất thực hiện các dự án quảng bá du lịch chung cho 8 thành phố như những điểm đến du lịch hấp dẫn. Ngoài ra, CPTA sẽ tổ chức dự án triển lãm ảnh để công chúng biết về du lịch các nước; Giới thiệu các tour du lịch do công ty du lịch tham gia các cuộc trưng bày hình ảnh quảng bá các nước; Thống nhất Hội nghị CPTA 2013 sẽ do TP Kualampur (Malaysia) tổ chức.

Bà Sri Juniarti, Cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch TP Jakarta cho biết: Trung bình mỗi năm ngành du lịch Indonesia đón hàng chục triệu lượt du khách. Cùng với xu hướng tăng lên của nguồn khách, Indonesia đang phải đối mặt với các vấn đề về môi trường tự nhiên bị khai thác cạn kiệt, lượng rác thải, khí thải tăng mạnh. Một trong những thách thức mà du lịch Indonesia đang đối mặt là làm sao bảo tồn được các giá trị di sản đang bị khai thác quá mức. Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều thành phố lớn khi phát triển du lịch.

Các đại biểu tại hội nghị đều có chung ý kiến, hiện nay du lịch các nước châu Á đặc biệt là khu vực Đông Nam Á đang phát triển "nóng",  việc tăng số lượng du khách sẽ tạo nguy cơ tiềm ẩn, đó là khiến cho môi trường chịu nhiều tác động xấu.

Du lịch xanh: Cơ sở để phát triển bền vững - Ảnh 1

Tour du lịch “Trải nghiệm làm nông dân” dành cho du khách nước ngoài.

Phát triển du lịch thân thiện môi trường

Mặc dù lượng khách du lịch tăng sẽ tác động xấu đến môi trường nhưng nhu cầu đi du lịch sẽ tiếp tục tăng khi mức sống của người dân ngày càng được cải thiện. Để giải quyết mâu thuẫn này, ông Mitsuru Nakanishi, Chủ tịch CPTA cho rằng, ngành du lịch châu Á nên tận dụng thế mạnh thiên nhiên để xây dựng tour du lịch xanh như tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên, cùng sống với người dân địa phương… Khi tham gia các tour du lịch này, khách du lịch được khuyến khích hòa nhập với thiên nhiên, giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương mà không gây bất cứ tác động gì đến môi trường.

Du lịch Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như xả rác nơi công cộng, ô nhiễm sông hồ và tiếng ồn. Thực tế, hiện nay vấn đề bụi khói, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn đang là những nỗi bức xúc của người dân... Những hạn chế trên trực tiếp làm giảm một lượng lớn khách tại Hà Nội. 

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng

Theo bà Noraza Yusof, Cục Xúc tiến du lịch TP Kuala Lumper (Malaysia), để tạo dựng môi trường du lịch xanh, Kuala Lumper đã xây dựng nhiều tuyến phố đi bộ, từ đó giảm được lượng bus tại khu vực trung tâm thành phố. Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho du khách, ngành du lịch  Kuala Lumper còn có sáng kiến cho khách du lịch trồng cây xanh có thu phí tại các khu vực công cộng. Và nếu du khách có dịp quay lại sẽ có cơ hội nhìn thấy cây của mình đã được chăm sóc cẩn thận.

Ngành du lịch Hà Nội cũng đã có những nỗ lực trong việc phát triển du lịch xanh bằng việc xây dựng, khai thác một số sản phẩm du lịch như: Tour du lịch sinh thái,  tour "một ngày làm nông dân" tại các huyện ngoại thành, du lịch phố cổ và quanh Hồ Tây bằng xe chạy điện… Nhiều khách sạn, nhà hàng đã áp dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải môi trường. Làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng đã thay thế lò nung than truyền thống gây ô nhiễm môi trường bằng lò gas, từ đó tạo môi trường xanh cho du khách khi đến tham quan làng nghề.

Thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục cho ra mắt một số sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái tại huyện Sóc Sơn, du lịch tâm linh, ăn nghỉ tại nhà dân ở huyện Ba Vì… Các doanh nghiệp sẽ đầu tư khai thác giá trị cảnh quan, sinh thái tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì, khu danh thắng Hương Sơn, khu vực núi Sóc, hồ Đồng Quan, xây dựng các tour du lịch sinh thái ven sông Hồng, sông Đáy... thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Thêm cơ hội nâng chất lượng du lịch Thủ đô

Bên lề hội nghị lần thứ XI của CPTA, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển du lịch bền vững.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng nguồn nhân lực ngành DL Thủ đô hiện nay?

- Trong thời gian qua chất lượng của nguồn nhân lực DL, đặc biệt là khách sạn đã được thay đổi một cách rõ nét. Hiện, có đến 55% lượng nhân viên ngành DL đã  qua đào tạo cơ bản, 100% nhân viên phục vụ tại các khách sạn từ 3 sao trở lên được đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng. Trong quá trình kiểm tra, thẩm định hàng năm của Sở VHTT&DL Hà Nội cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp (DN) kinh doanh khách sạn đều đã chú trọng việc đào tạo nghề cho nhân viên.

Theo định hướng phát triển ngành DL Hà Nội đến 2020, định hướng 2030, ngành DL Hà Nội sẽ thu hút 58.000 lao động đã được đào tạo nghề tại các trường DL của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực DL được đánh giá là vẫn còn rất nhiều những tồn tại. Vậy Sở có biện pháp gì để khắc phục những tồn tại này?

- Thực tế cho thấy, mặc dù đã có cố gắng trong việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên nhưng vẫn còn không ít DN vẫn chưa ý thức được việc này. Nguyên nhân là do một số chính sách, quy định của Nhà nước đối với DN DL về bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu chế tài xử phạt.

Tồn tại này khiến công suất sử dụng buồng phòng của một số khách sạn hiện chỉ đạt 55 - 60%, thời gian lưu trú của khách quốc tế chỉ đạt trung bình 2,1 ngày và mức chi tiêu mới dùng ở mức 92 USD/ngày/khách.

Hội nghị CPTA lần này mang lại những cơ hội gì trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DL Thủ đô, thưa ông?

- Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị lần này là tăng cường quảng bá hình ảnh, thu hút khách thông qua trang web của các thành phố thành viên. Ngoài ra, theo thỏa thuận, mỗi trang web này bên cạnh việc giới thiệu thành phố liên kết còn phải giới thiệu khách sạn, công ty DL tại địa phương. Các khách sạn, công ty DL lữ hành muốn được giới thiệu trên các web đó buộc phải đạt những quy chuẩn nhất định trong đó có chất lượng nhân viên phục vụ. Quy định này chính là cú huých cho DN nâng cấp, cải thiện nguồn nhân lực DL của đơn vị mình.

Bên cạnh đó, thông qua Hội nghị CPTA ngành DL Hà Nội sẽ có thêm cơ hội tiếp cận các dự án đào tạo nhân lực DL của các thành phố bạn, như dự án đào tạo nhân lực DL của tổ chức JICA, Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, và một số nước trong khu vực ASEAN.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hương thực hiện