Đây là nhận định của Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Nguyễn Văn Đính tại Diễn đàn với chủ đề “Du lịch xanh” ngày 27/3, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - Hà Nội năm 2019 (27 - 30/3).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu tham quan các gian hàng. Ảnh: Hồ Hạ. |
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lê Quang Tùng khẳng định, trong những năm gần đây, các chính sách, chiến lược và quy hoạch của Việt Nam đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hy vọng du lịch Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm, dịch vụ và điểm đến đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch xanh, phù hợp với sở thích và nhu cầu của du khách trong tương lai. Đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Nguyễn Anh Tuấn, bên cạnh những tiềm năng phát triển du lịch xanh, Việt Nam cũng có nhiều vấn đề và cần giải pháp để vượt qua khó khăn. Đầu tiên là ở Việt Nam, nhận thức vể việc phát triển du lịch xanh chưa đầy đủ và chưa thấy được tầm quan trọng của phát triển du lịch xanh đối với phát triển bền vững của đất nước. Thứ hai, Chính phủ Việt Nam còn thiều cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch xanh. Thứ ba là sự thiếu thốn trong vấn đề tài chính và đầu tư vào các giải pháp xanh. Thứ 4, nhận thức của khách du lịch và việc kiểm soát tiêu thụ năng lượng của DN cũng là một thách thức cần phải vượt qua nếu muốn hướng tới du lịch xanh…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình du lịch xanh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Nguyễn Văn Đính cho rằng, Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Thứ nhất, việc phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp. Thứ hai, việc phát triển du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường. Thứ 3, phát triển du lịch chưa tính đến biến đổi khí hậu.
Chia sẻ về những hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đối với ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua, Trưởng Ban Quản lý dự án, Cơ quan Đại diện Thường trú của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Steven Schipani cho biết, trong giai đoạn từ 2003 - 2019, ADB đã đầu tư 4 dự án công trình trị giá khoảng 114 triệu USD nhằm cải thiện hạ tầng du lịch với các con đường mới, trung tâm thông tin du lịch, xây dựng năng lực quản lý điểm đến và thúc đẩy hợp tác trong vùng…