Dư luận bất bình trước phát ngôn đầy thách thức của GĐ đối ngoại Formosa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân, chuyên gia kinh tế Việt Nam lên tiếng phản ứng trước phát ngôn của Giám đốc đối ngoại nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh.

Ngày 25/4, ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trả lời báo chí về hiện tượng không có sinh vật biển tôm, cá sống xung quanh khu vực xả thải nhà máy này:" Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại". Ngay sau phát biểu trên, nhiều ý kiến từ dư luận, chuyên gia kinh tế Việt Nam lên tiếng phản ứng.

Trả lời báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Xuân Tiệp - người phụ trách về môi trường, nước xả thải của một doanh nghiệp tại Hà Nội bày tỏ "không chấp chận được phát ngôn của ông giám đốc đối ngoại trên". Theo ông, không thể có chuyện "chọn trong hai" hết sức vô lý như vậy. Nếu giải thuyết có chọn thì phải chọn môi trường chứ không thể chọn nhà máy thép.

Ông cũng cho biết, ông đọc thông tin từ vị giám đốc đối ngoại kia trên mạng xã hội facebook, bởi rất nhiều bạn bè ông đã dẫn phát ngôn này lên facebook với những phản ứng gay gắt. Công tác trong lĩnh vực môi trường, ông Tiệp cho biết, nước ta có luật pháp quy định về việc xả thải ra môi trường và đương nhiên, không ai đứng ngoài pháp luật. Rất mong cơ quan chức năng xử nghiêm vụ việc trên.

Cũng liên quan tới phát ngôn này, Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng đây là phát ngôn sốc, gây bất bình trong dư luận, không thể chấp nhận được. Phát ngôn này không trên tinh thần xây dựng mà cố tình thách thức dư luận, cơ quan chức năng.

Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, không thể chấp nhận việc đổi sắt thép lấy cá tôm. Hơn nữa đây không phải là cá tôm mà là môi trường sống, là nền kinh tế biển của Việt Nam. 
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
"Chúng ta không thể có sự lựa chọn hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm. Ông ấy nói thế là coi thường 90 triệu người dân đất Việt. Khi chắc chắn chất độc đó do công ty Formosa thải ra mà chưa được xử lý theo đúng tiêu chuẩn thì đây là một hành vi tội ác".

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, cần phải thành phong trào phản ứng mạnh mẽ yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc. Phía sau hiện tượng cá chết hàng loạt, hiện tượng Formosa xả thải tôi cũng đặt ra câu hỏi: Chúng ta có ai kiểm tra không hay chỉ dựa vào số liệu mà phía công ty tự báo cáo? Đó là một lỗ hổng rất nguy hiểm”, TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Trả lời báo Dân Trí về phát ngôn trên của Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Đây là tuyên bố đầy thách thức và xúc phạm".

"Tôi phản đối tuyên bố đầy thách thức và có tính chất đầy xúc phạm đến đất nước Việt Nam của vị giám đốc doanh nghiệp trên. Dù chúng ta chưa có kết luận chính xác vụ việc, nhưng việc một doanh nghiệp tuyên bố như vậy không thể chấp nhận được. Chúng ta cho phép Formosa đầu tư nhưng cũng yêu cầu họ phải đảm bảo các điều kiện sống cho tự nhiên, cho thế hệ mai sau", ông nói.

Theo TS Lê Đăng Doanh, "Chúng ta không thể có lựa chọn hy sinh tài nguyên môi trường, đó là sự vi phạm công ước quốc tế về môi trường". Ông cũng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường kiểm tra các giấy phép nhập khẩu các loại chất độc và cực độc; giấy chứng nhận đầu tư, các cam kết về môi trường...của công ty này.
"Dù chưa xác định chính xác nguyên nhân, nhưng tuyên bố này là thái độ bàng quan trước vấn nạn của một đất nước. Thái độ thách thức của nhà đầu tư đối với người Việt Nam là không thích hợp. Tôi được biết, trước đó, Formosa đã nhập một lượng lớn các chất độc, cực độc về Việt Nam để súc rửa đường ống. Chúng ta phải yêu cầu họ báo cáo số chất đó đi đâu? Ai cho phép họ nhập về?", ông nêu câu hỏi.

Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xác định xem động cơ của tuyên bố này như thế nào?.

"Không thể bỏ qua mà không nói gì được. Tôi cực lực lên án lời phát ngôn đầy thách thức này vì nó không đúng với tinh thần của Việt Nam, vị thế của nhà đầu tư lớn và những ưu đãi của Việt Nam dành cho nhà đầu tư", ông Doanh bày tỏ thái độ.

TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: "Đây là hệ quả rất nghiêm trọng khi chúng ta quá nuông chiều các tập đoàn, các doanh nghiệp ngoại... Không thể nào để cho một nhà đầu tư tuyên bố thay Việt Nam chọn thép để đánh đổi lấy sự mất đi của tài nguyên thiên nhiên. Cái giá đó quá đắt và chúng ta sẽ kể lại cho hậu thế như thế nào đây?".

Ông cũng cho rằng, cùng với tuyên bố này, nếu kết luận điều tra đúng với thực tế, Việt Nam hoàn toàn có quyền khởi kiện. Khi đó, họ không chỉ vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam mà còn vi phạm các công ước quốc tế về bảo vệ các sinh vật biển. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần