Dư luận đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh đúng thực tế

Nhóm PV Nội chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/10, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, cử tri và Nhân dân đã bày tỏ sự đồng tình với kết quả lấy phiếu. Đồng thời nhận định, việc lấy phiếu tính nhiệm sẽ tạo động lực thúc đẩy cán bộ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nữa.

 Ông Nguyễn Tiến Dĩnh
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh
Kênh giám sát rất tốt
Việc lấy phiếu tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội với những người có chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được thực hiện mấy năm nay. Bản thân tôi cho rằng đây kênh giám sát, đánh giá, thẩm định rất hiệu quả, để thấy hoạt động của các chức danh đó có phù hợp thực tế hay không, và đặc biệt thông qua đó, các cán bộ càng nhận thức rõ cần phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trước khi lấy phiếu, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn, liệu việc đánh giá như vậy có chính xác hay không, bởi có thể có trường hợp nể nang, hoặc có tác động, “vận động hành lang” nào đó. Song qua kết quả có thể thấy, qua tiếp cận nhiều thông tin từ các cuộc tiếp xúc cử tri, qua báo chí…, các đại biểu Quốc hội đã nắm rõ được cán bộ nào đã hoàn thành, hoàn thành tốt hay không hoàn thành nhiệm vụ công tác, nên họ không đã không có những “tác động” nào trong quá trình đánh giá.
Theo quy định, kết quả lấy phiếu tín nhiệm có 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp). Trong đó, nếu một cán bộ có quá 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì theo quy định có thể từ chức, hoặc nếu không từ chức thì Quốc hội tiến hành bỏ phiếu chính thức để miễn nhiệm. Đây là quy định đã rõ, cần được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên trong lần lấy phiếu này, chưa có chức danh nào rơi vào những trường hợp này. Đó là điều đáng mừng.
 Bà Đỗ Thị Luyện
Bà Đỗ Thị Luyện - Bí thư chi bộ 1 (phường Trung Phụng, quận Đống Đa)
Lấy phiếu tín nhiệm là thước đo hiệu quả công việc
Qua báo chí, tôi cũng vừa được biết kết quả lấy phiếu tín nhiệm của 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cá nhân tôi thấy kết quả này phản ánh khá đúng tình hình thực tế. Qua theo dõi tình hình kinh tế xã hội của đất nước thời gian qua, tôi thấy Chính phủ đã có những bước tiến lớn trong điều hành, chỉ đạo các vấn đề, vụ việc. Nhiều vụ việc bức xúc trong Nhân dân cũng được chỉ đạo rất sát sao. Kinh tế xã hội đất nước phát triển, bởi thế, Thủ tướng Chính phủ có số tín nhiệm cao như vậy cũng là điều đương nhiên.
Theo tôi, dù là mức tín nhiệm ra sao, nhưng qua đây sẽ giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót để từ đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết để cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc.
 Ông Nguyễn Thanh Bình
Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Đại học Nguyễn Trãi
Các đại biểu đã công tâm, khách quan và bản lĩnh
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh như vậy rất cần thiết và có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay. Qua kết quả có thể thấy, các đại biểu đã thật sự công tâm, khách quan và bản lĩnh trong việc bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh đúng hiệu quả công việc của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tôi cho rằng, đối với các cá nhân có phiếu tín nhiệm thấp nên có những quy định về mức độ nhất định để có phương hướng xử lý. Ví dụ, mức thấp nhiều nên yêu cầu họ phải hứa khắc phục, sửa chữa để nâng cao uy tín bằng các chương trình hành động cụ thể. Nếu không có biện pháp như vậy thì mọi cuộc lấy tín nhiệm sẽ không có ý nghĩa gì; bởi sau khi lấy tín nhiệm thì người có tín nhiệm cao cũng như người có tín nhiệm thấp.
 Ông Bùi Thanh Tuất
Ông Bùi Thanh Tuất - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố An Thái, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm
Mỗi chức danh cần soi xét kỹ chức trách của mình
Chúng tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm từ các đại biểu Quốc hội thực sự khách quan, đúng đắn, hiệu quả tốt, đánh giá được những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn qua một thời kỳ làm có tốt hay không. Các đại biểu đã đánh giá tín nhiệm dựa trên cơ sở kết quả hoạt động của người được lấy phiếu. Kết quả lấy phiếu lần này là cơ hội để những người được lấy phiếu tín nhiệm phát huy những thành tích đã đạt được cũng như thấy những điều còn thiếu sót để phấn đấu.
Quan điểm của người dân chúng tôi, đối với các chức danh có tỷ lệ tính nhiệm thấp cao cần soi xét cụ thể hơn về chức tránh, nhiệm vụ của mình, để khắc phục được triệt để những vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh như giáo dục, giao thông….

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần