Dư luận hiểu lầm con số 34 ngàn tỷ đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (11/6), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về chất lượng đào tạo hệ đại học; triển khai thực hiện cải cách về giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa…

Trước đó, Quốc hội đã dành 1/2 thời gian làm việc sáng 11/6 để Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời chất vấn.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Bộ GD-ĐT đề xuất dàn hàng ngang cùng tiến hay tập trung vào khâu nào để tạo động lực cho các khâu khác cùng chuyển biến?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: Nghị quyết 29 có những giải pháp để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nhưng triển khai cụ thể, từng lĩnh vực sẽ có những giải pháp ưu tiên, then chốt. Chẳng hạn như trong giải pháp đổi mới sách giáo khoa, chúng ta phải chủ động thiết kế chương trình để phát huy, phát triển năng lực học sinh. Tiếp đến, chúng ta phải viết được bộ sách giáo khoa mới hoàn toàn mà chưa bao giờ tiếp xúc, đặc biệt tổ chức viết sách giáo khoa mới như thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm.
Lần này có những điều kiện thuận lợi hơn, Bộ GD-ĐT lo xây dựng chương trình thật tốt, hoàn chỉnh sau mới công bố rộng rãi, huy động các lực lượng xã hội tham gia viết sách giáo khoa mới. Hiện Bộ GD-ĐT đã báo cáo sơ bộ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và sau đó trình bày trong Ủy ban Quốc gia về đổi mới căn bản GD-ĐT, Hội đồng quốc gia về đổi mới GD-ĐT, sau đó sẽ báo cáo Thủ tướng phê duyệt.
Dư luận hiểu lầm con số 34 ngàn tỷ đồng - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời chất vấn các đại biểu QH
Nói về vấn đề tự chủ, Bộ trưởng Luận cho biết, Bộ đã có phương án tự chủ từ năm 2016. Trong đó, khó khăn nhất là vấn đề tự chủ về tài chính.

Trả lời câu hỏi về vấn đề tín dụng sinh viên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các trường ĐH ngoài công lập tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm về vấn đề chính sách tín dụng dành cho HS-SV. Liên bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn, trên tinh thần đó các địa phương sẽ căn cứ giải quyết. Nếu có sai sót hay chưa hợp lý Bộ sẽ tiếp tu và tiếp tục hoàn chỉnh.

ĐB Nguyễn Thanh Thảo, hỏi về vấn đề phổ cập mầm non 5 tuổi đã có rồi nhưng thiếu vốn triển khai, vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Đề án do Bộ GD-ĐT chủ trì, trình Thủ tướng phê duyệt, tính toán vốn trên cơ sở nhu cầu, thực trạng của cơ sở vật chất các trường mầm non. Khi triển khai, chúng tôi không có thông tin đầy đủ về việc này, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin về vấn đề này. Ý kiến liên quan đến vấn đề phát triển nóng về vấn đề dạy nghề, chúng tôi sẽ cùng với Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội cùng giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, việc nâng điểm, bệnh thành tích vẫn còn, nhưng đã giảm dần và nhưng lại có biểu hiện rất mới (Ví dụ: Thầy cô giáo nâng điểm cho thí sinh thi môn Sử vừa rồi, nhiều phụ huynh không đồng tình, đấu tranh về việc này). Có những trường 100% yếu kém nhưng trường vẫn giữ nguyên và công bố công khai. Như vậy, qua những cuộc vận động từ thực tiễn và xã hội đã có những thay đổi tích cực trong điểm số.

Đồng thời việc ứng dụng CNTT, quản lý điểm cho các cháu cả năm học được triển khai khá tốt, hiện nay có khoảng hơn 70% các sở GD-ĐT đã ứng dụng phần mềm quản lý điểm, số phần mềm quản lý điểm đã đạt khoảng 80%.

Trả lời câu hỏi của ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) về vấn đề kiên cố hóa trường học và số lượng phòng học bán trú, giai đoạn vừa rồi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Chính phủ đã triển khai chương trình kiên cố hóa, số lượng làm được khá nhiều, giải ngân khá lớn nhưng so với số lượng trường cần kiên cố hóa còn rất nhiều. Số lượng phát sinh mới do thiên tai còn chưa được báo cáo nên chưa triển khai được. Bộ sẽ cập nhật và tính toán con số mới để giải quyết việc kiên cố hóa phòng học.

Về việc phát triển nhân cách, phát triển nguồn nhân lực, đây là các vấn đề trọng tâm trong đề án đổi mới giáo dục, và theo chương trình hành động của Chính phủ, không riêng gì Bộ GD-ĐT. Vấn đề tuyển dụng giáo viên cũng sẽ có thay đổi đồng bộ để hướng đến vấn đề phát triển và hình thành nhân cách của con người Việt Nam mới, trọng điểm là phát triển giáo dục vùng khó khó khăn.

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Phương hỏi về vấn đề việc giảng dạy giáo dục thường xuyên chưa tốt, hiệu quả không đảm bảo?

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chương trình hiện nay có các môn theo giáo dục phổ thông như Văn, Toán, Lý, Hóa, Sử... chất lượng GDTX hiện nay cũng chưa có khoảng cách với giáo dục phổ thông. Phương hướng khắc phục theo Nghị quyết 29 sẽ đảm bảo chất lượng liên thông, đồng đều. Trong thời gian tới, khi triển khai chương trình mới sẽ chỉ có 1 chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả GDTX và phổ thông.

Giáo dục phổ thông hiện nay là 12 năm, nên chăng rút ngắn. Vấn đề 12 năm hay rút xuống 11 năm, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo với nhiều ý kiến khác nhau. Có những ý kiến đề nghị không rút ngắn, không thay đổi vì chúng ta yêu cầu một số năng lực, phẩm chất mà các cháu phải có mà hiện nay còn yếu như khả năng tin học, ngoại ngữ,… cần phải tăng cường, Sau khi TƯ cân nhắc các khía cạnh của vấn đề, trước mắt giữ nguyên 12 năm như hiện nay và trong chương trình hành động của chính phủ cũng giao cho chúng tôi chủ trì và hoàn thiện hệ thống. Gần đây, Tổng thống Phillipines trong lần làm việc với đoàn Việt Nam cũng cho biết đang tính đến xu hướng 12 năm học phổ thông cho học sinh trong nước.

Nguồn lực của quốc gia có giới hạn nên ưu tiên phổ cập tiểu học, tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS, cách đây mấy năm, Thủ tướng chính phủ đã nêu vấn đề chủ trì và yêu cầu chúng tôi nghiên cứu để phổ cập mầm non 5 tuổi. Có thể nói, cả mầm non công lập và ngoài công lập đều có những thiếu thốn khó khăn cả về vật chất, đội ngũ giáo viên, học tập, kinh phí… Đối với mầm non công lập chúng ta có đề án kiên cố hóa, còn mầm non ngoài công lập chúng ta mới đây có đề án cho các khu công nghiệp, tổ chức các đợt khảo sát để tìm giải pháp, xử lý thông tin để đề xuất với Thủ tướng.

Về vấn đề giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non đang thiếu. Chúng tôi cũng cập nhật được tình hình này, có bàn tới và chúng tôi cho rằng có thể bổ sung giáo viên ở bậc tiểu học xuống dạy ở bậc mầm non, hiện nay một số tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ cũng đã triển khai vấn đề này.

Bộ Giáo dục đang cùng Bộ Nội vụ đang xây dựng vị trí việc làm cho các cơ sở giáo dục đào tạo, trong đấy có cơ sở giáo dục mầm non...

Trả lời câu hỏi của ĐB Hà Minh Huệ có ý kiến giải thích rõ hơn về đề án 34 ngàn tỷ đồng, chúng tôi xin trình bày vấn đề này. Khi đưa đề án trình ra không có kinh phí. Năm 2010, QH ra nghị quyết số 40 về đổi mới, chương trình sách giáo khoa phổ thông. Chúng tôi nghiên cứu thấy không có văn bản pháp luật nào nói về vấn đề này. Lần này, chúng tôi cũng xây dựng, thiết kế một hồ sơ để trình ra QH. Theo cách làm tương tự của cách làm năm 2010, nội dung của NQ chúng tôi chuẩn bị có Mục tiêu của chương trình SGK, tiến độ chương trình SGK, Triển khai chương trình SGK… do vậy trình ra Ủy ban Thường vụ QH không có vấn đề kinh phí. Mỗi đề án đó sẽ có kinh phí và trong só những đề án đấy sẽ có đề án về sách giáo khoa, còn phê duyệt là theo pháp luật hiện hành. Nếu vượt thẩm quyền của Chính phủ, thì Thủ tướng sẽ báo cáo QH để QH thẩm định. Vì thế trong hồ sơ trình lên UB TV QH không có con số 34 nghìn tỷ đồng.

Sau khi xin ý kiến của Thủ tướng, căn cứ vào UBTVQH, chúng tôi có văn bản rút đề án khỏi kỳ họp này của QH, chúng tôi sẽ khẩn trương trình QH vào kỳ họp tới. Vậy con số 34 nghìn tỷ đồng xuất hiện lúc nào? Khi Thường vụ thảo luận, chất vấn, đồng chí Trương Thị Mai có hỏi về vấn đề kinh phí, tính toán của Chính phủ về khả năng xã hội hóa nguồn kinh phí để triển khai, trong tay đồng chí Thứ trưởng Bộ GD được một đồng chí cấp vụ trao lên một tờ giấy và anh em họp một cuộc họp trang nghiêm ấy đã bị khớp nên đã trình bày con số trên. Sau đó tổ chức cuộc họp báo nhưng trình bày không khéo nên để xảy ra sai sót khiến dư luận hiểu lầm, lo lắng về con số đó. Trong đó, tôi có hiểu rằng có lo lắng của nhân dân là là mấy anh này vẽ ra để tiêu tiền. Tôi xin trình bày là không có vấn đề đó. 
Dư luận hiểu lầm con số 34 ngàn tỷ đồng - Ảnh 2
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng
 
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, 21 ĐB đã trực tiếp chất vấn Bộ  trưởng Bộ GD-ĐT. Bộ trưởng đều trả lời và tất cả các câu hỏi gửi tới trước ngày hôm nay cũng được Bộ trưởng trả lời. Phần trả lời rất thẳng thắn, tự nhận trách nhiệm về mình những công việc còn yếu kém của ngành GD-ĐT, đồng thời đưa ra giải pháp, định hướng khá rõ ràng, đầy đủ. Chúng ta rất hoan nghênh nỗ lực của ngành giáo dục, đã đóng góp vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước, đây là đóng góp của toàn Đảng, toàn dân mà trực tiếp là của các thầy cô giáo. Đổi mới giáo dục cần đổi mới căn bản, đổi mới toàn diện để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Chúng ta nhìn vào ngành giáo dục của chúng ta còn nhiều hạn chế, bất cập, dù là đổi mới chúng ta phải căn cứ vào truyền thống hiếu học của dân tộc ta, truyền thống tôn sư trọng đạo của ông cha ta, thành quả của ngành giáo dục trong những chặng đường lịch sử vừa qua để ta tiến hành đổi mới. Đổi mới căn bản toàn diện không có nghĩa là xóa bỏ hết. Bộ GD-ĐT cũng đã có đóng góp lớn được toàn dân hoan nghênh. Chúng ta thay mặt toàn dân đặt ra vấn đề cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về sự phát triển giáo dục. Đến cuối năm nay, NQ T.Ư có hiệu lực được 1 năm, chương trình hành động đã có, Bộ đã xây dựng đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, kỳ họp cuối năm nay, Bộ trưởng GD-ĐT căn cứ vào đó để báo cáo toàn diện đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.