Dư luận lên án những hành động quá khích

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Yêu nước trước hết là yêu chính những người thân trong gia đình, rồi bạn bè, láng giềng... Ấy vậy mà, ở con người Bùi Thị Minh Hằng, tất cả những người thân trong gia đình như mẹ, chị em ruột…đều xa lánh.

Những người láng giềng của Hằng đặt câu hỏi: "Chúng tôi không biết lòng yêu nước của chị Hằng ở chỗ nào. Yêu nước mà lại làm cho đứa con của mình rứt ruột đẻ ra khổ đau trong tù? Yêu nước mà trở thành nhân vật bị lợi dụng để chống lại cuộc sống bình an của người dân Việt Nam, thì thử hỏi, bà ấy có lòng yêu nước hay không?".

 Tại thị xã Sơn Tây, chúng tôi đã tìm đến địa chỉ 15 phố Đệ Nhị để được chia sẻ với những người thân của Bùi Thị Minh Hằng. Trong nước mắt, bà Phạm Thị Hoán (86 tuổi, mẹ trại viên Hằng) tâm sự: "Con Hằng nó khác hẳn những đứa con khác của tôi. Tôi muốn nó thành con người theo truyền thống gia đình. Nay nó thế này tôi không biết làm thế nào. Nhà nước cứu nó, cho ở đấy cải tạo còn may chứ bỏ ra ngoài thì vừa hư và cũng là mất hết. Con người phản nước thì không bao giờ trở thành con người. Thôi thì đối với nó ta coi vứt bỏ. Tình cảm rứt ruột đẻ ra cũng thương lắm nhưng nó đi ngược lại đất nước và cả cha, cả mẹ, cả anh em…".

Theo những gì mà bà Phạm Thị Hoán cho biết, năm Hằng học lớp 9, do hỗn hào với thầy cô và vô kỷ luật, Hằng đã bị đuổi học khiến bà Hoán phải nhờ người xin chuyển lên học ở cấp 3 Quảng Oai và ở nhờ nhà một người quen. Từ đó đến lúc Hằng lấy chồng rồi đi nước ngoài về là vô vàn những chuyện phiền toái lớn nhỏ mà vợ chồng ông bà Hoán phải gánh chịu.

Năm 1981, dời nhà bố mẹ đẻ ở thị xã Sơn Tây, Bùi Thị Minh Hằng được đi học tại Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghiệp nhẹ tại Nam Định. Vừa ra trường, Hằng lấy chồng và về làm nội trợ tại số 36 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Năm 1987, bỏ lại đứa con gái nhỏ còn đang ẵm ngửa cho mẹ đẻ trông nom, Hằng đi xuất khẩu lao động tại Liên Xô. Trở về sau gần 4 năm, Hằng bỏ chồng và cùng nhân tình vào Vũng Tàu... Tại đây, Hằng đã có 2 con trai với người chồng sau là Trần Văn Dục, sinh năm 1944, trú tại 83/5B Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu (đã chết).

Bà Hoán nói trong nước mắt: ''Các cụ xưa thường nói ''con dại cái mang''. Từ nhỏ đến lớn, Hằng chưa báo hiếu được vợ chồng chúng tôi một ngày nào mà chỉ toàn gây ra những chuyện đau lòng. Lúc bé là học sinh cá biệt, bỏ học, ham chơi, cãi láo với bố mẹ; lớn lên lại mâu thuẫn, ruồng bỏ gia đình, anh chị em đi theo những thành phần bất hảo, gây ra biết bao chuyện trời không dung, đất không tha. Kể ra điều này, tôi vô cùng đau đớn và xấu hổ vì có một đứa con mà cả xã hội đều lên án''.

Chị Bùi Thị Phương Nga - chị của Hằng (cũng là chị cả trong các chị em) chia sẻ: "Mong muốn nhất của tôi là Hằng được trở về với gia đình, về với mẹ, với chị, với các con cho mẹ tôi đỡ đau lòng. Việc đưa Hằng vào trung tâm giáo dục là đúng đắn, từ biện pháp này, Hằng có cơ hội được giáo dục. Khi lên thăm Hằng, mình thấy biện pháp như vậy là rất yên tâm". "Lần đầu tiên mình biết Công an Hoàn Kiếm tạm giam Hằng thì mình cũng rất là buồn. Lúc đó cả đêm mình không ngủ được do vậy đã thức dậy trong mình những kỷ niệm. Nghĩ lại như vậy lại thấy thương em vì trong gia đình tốt đẹp như vậy nhưng cũng lại rất giận vì Hằng không chịu nhận ra đã đi lệch con đường…".

Là người chứng kiến từ đầu đến cuối việc Hằng gây mất trật tự tại hồ Hoàn Kiếm, ông Tạ Khắc Hải ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Tôi thấy chị Hằng lợi dụng danh nghĩa yêu nước nhưng kỳ thực là gây rối, làm mất an ninh trật tự. Tôi thường xuyên ra để thuyết phục nhưng chị ấy không nghe. Bà con khu phố bảo sao lại cứ để con người như thế quấy nhiễu, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của dân. Đối với những người như chị Hằng, tôi đề nghị Nhà nước có biện pháp giáo dục".

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổ trưởng tổ dân phố số 2, phường 7, thành phố Vũng Tàu cho biết: "Bà Hằng mua nhà ở đây từ lâu nhưng ít khi ở nhà. Cách đây 3, 4 năm, có một vài lần bà Hằng đưa một số người về gây mất trật tự khu phố, chúng tôi đã phải báo lên phường giải quyết vì ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Bà ấy thích cuộc sống tự do, không có khuôn khổ gì hết, thích là bà ấy làm".

Ông Hoàng Văn Hùng, tổ dân phố số 2, phường 7, thành phố Vũng Tàu, hàng xóm trước kia của bà Hằng, chia sẻ: "Mọi người trong khu phố sống với nhau bằng tình cảm "bán anh em xa mua láng giềng gần", nhưng bà Hằng lại ít khi nghe góp ý của người khác. Nhiều lần như vậy nên không ai muốn đụng chạm đến bà ấy. Nhà tôi gần nhất nên phải gắng chịu". Ông Hùng bức xúc kể lại quãng thời gian mà gia đình ông cùng các hộ xung quanh phải chịu đựng cái lối sống khác biệt của người đàn bà này, ngay cả can thiệp của cơ quan chức năng cũng không có tác dụng. Ông Hùng than vãn: "Công an đã nhiều lần mời lên giáo dục, nhắc nhở nhưng đâu lại vào đó. Tôi đi bộ đội xa nhà, vợ điện ra nói anh phải về giải quyết, sống thế này chịu sao nổi. Tôi gọi điện thoại về cho anh Thanh nhờ can thiệp giúp. Anh Thanh cũng đã sang nhắc nhở nhưng bà ấy vẫn bỏ ngoài tai".

Khi được hỏi về "lòng yêu nước" của bà Hằng, ông Thanh, ông Hùng và một số người dân trong khu phố đều có chung suy nghĩ: "Yêu nước trước tiên là phải làm cho gia đình hạnh phúc, khu phố đoàn kết, yên bình. Chúng tôi không biết lòng yêu nước của chị Hằng ở chỗ nào. Yêu nước mà lại làm cho con khổ đau trong tù. Yêu nước mà không dành tình thương cho đứa con do mình rứt ruột đẻ ra thì thử hỏi bà ấy có lòng yêu nước hay không? Hàng xóm chúng tôi không muốn nghe những câu chuyện đó nữa, bà ấy chửi cả người chồng đã quá cố, đau lòng lắm".

Với Bùi Thị Minh Hằng, thiết tưởng cũng không cần tốn nhiều bút mực. Tuy nhiên, khi nhân vật này đang được một nhóm người nào đó "cổ súy", làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân thì cũng thấy cần thiết cung cấp thông tin liên quan để biết thêm về một nhân vật đang bị lợi dụng vì những mưu đồ xấu.

* Bài 1:Vì sao Bùi Thị Minh Hằng phải đưa vào cơ sở giáo dục ? 

* Bài 2: Đằng sau danh xưng “Người phụ nữ của năm…” 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần