Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dư luận phản đối nghị quyết của LHQ lên án Syria

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết do Qatar và một số nước Arập đề xuất trong đó lên án nhà chức trách Syria làm leo thang cuộc xung đột, một số nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Nga, Iran và Brazil đã lên tiếng bày tỏ lo ngại động thái này.

Trung Quốc - một trong 12 nước bỏ phiếu chống nghị quyết này, tái khẳng định giải pháp chính trị là biện pháp duy nhất giúp giải quyết vấn đề tại Syria.
 
Dư luận phản đối nghị quyết của LHQ lên án Syria - Ảnh 1
Biểu tình ở Syria. Ảnh minh họa
 
Phát biểu trước khi Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành bỏ phiếu, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông khẳng định Bắc Kinh quan ngại sâu sắc tình hình đang ngày một xấu đi tại Syria, đồng thời phản đối và lên án mọi hành vi bạo lực nhằm vào dân thường vô tội.
 
Ông nói: “Việc thúc đẩy nghị quyết này không có lợi đối với sự thống nhất của các nước thành viên Liên hợp quốc cũng như làm hủy hoại nỗ lực hòa giải của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và cộng đồng quốc tế”.
 
Iran cho rằng việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trên sẽ khuyến khích “các nhóm cực đoan” tăng cường hoạt động tại Syria.
 
Hãng thông tấn Mehr dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định “nghị quyết đi ngược lại các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình” đối với cuộc khủng hoảng vốn cướp đi sinh mạng của hơn 90.000 người kể từ tháng 3/2011.
 
Theo Phó Tổng thống Iran Sayyed Mohammad Reza Mir-Tajeddini, chỉ có một giải pháp duy nhất đối với cuộc khủng hoảng ở Syria đó là giải pháp chính trị và tiến hành đàm phán.
 
Trong khi đó, Phó Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Alexander Pankin cho rằng nghị quyết này “mang tính tiêu cực” nhằm vào “việc thay đổi chế độ” ở Syria.
 
Trả lời phỏng vấn truyền hình Lebanon, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Iran cần tham dự hội nghị quốc tế, do Nga và Mỹ khởi xướng, nhằm tìm giải pháp chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syria, đồng thời cho biết hiện Mátxcơva đang nỗ lực để đưa hội nghị trên trở thành hiện thực.
 
Tuy nhiên, ông cũng cáo buộc các cường quốc phương Tây muốn tổ chức các cuộc thảo luận hẹp trước khi diễn ra hội nghị quốc tế nhằm bàn về chương trình nghị sự, thậm chí là cả kết quả của hội nghị mà không có sự tham gia của Syria.
 
Ngay trong ngày 16/5, các quan chức cấp cao của Mỹ, Anh và Pháp đã gặp nhau tại Washington, Mỹ để bàn về tình hình Trung Đông, trong đó có việc chuẩn bị cho hội nghị quốc tế nhằm tìm giải pháp chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syria.
 
Cũng trong ngày 16/5, Chính phủ Nam Phi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế không can thiệp vào Syria và để người dân nước này tự quyết định tương lai của mình.
 
Nam Phi - một trong 58 nước bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết trên của Đại hội đồng Liên hợp quốc, cho rằng nghị quyết chẳng những không mang lại thỏa thuận dàn xếp nào, thậm chí nó còn có thể làm xói mòn nỗ lực đưa các bên tại Syria ngồi vào bàn đàm phán.
 
Theo Đại diện thường trực của Brazil tại Liên hợp quốc Maria Luiza Ribeiro Viotti, nghị quyết trên làm xói mòn lòng tin về việc cộng đồng quốc tế có thể giải quyết cuộc xung đột tại Syria thông qua các con đường ngoại giao.
 
Còn Đại diện thường trực của Syria tại Liên hợp quốc, ông Bashar Ja'afari khẳng định nghị quyết trên đã “đổ thêm dầu vào lửa” đối với cuộc khủng hoảng và tình trạng bạo lực tại Syria thông qua nỗ lực công nhận Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập và hợp pháp hóa việc cung cấp vũ khí cho lực lượng này.