Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dư luận quan tâm phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội), việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi là hợp lý.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo về đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT, đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội. 
Dư luận quan tâm phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn - Ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: ktdt.vn
Tại Hà Nội, qua khảo sát ý kiến của nhiều học sinh, sinh viên, phụ huynh, cũng như các nhà quản lý giáo dục cho thấy: Dư luận đang dành sự đồng tình ủng hộ cao cho bước đột phá đầu tiên của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm thực hiện Đề án Đổi mới  căn bản toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa 11). Đồng thời, dư luận tại Thủ đô nghiêng về phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, thay vì 6 môn như hiện hành.        
Theo Dự thảo điều chỉnh thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, có 2 phương án dành cho học sinh tốt nghiệp THPT.

Trong đó, phương án 1, học sinh sẽ thi tốt nghiệp 4 môn, gồm hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn tự chọn khác. Phương án 2, thí sinh sẽ thi 5 môn với 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, cùng 2 môn tự chọn. Bên cạnh đó, mỗi sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có tối đa 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT.

Tại Hà Nội, nhiều học sinh bày tỏ sự vui mừng trước sự đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cho biết, các em nghiêng về phương án 1 nhiều hơn.

Em Vũ Bích Duy, học sinh lớp 12  nói: “Em đồng tình thi tốt nghiệp 4 môn. Theo em việc giảm môn thi tốt nghiệp sẽ giúp các em lớp 12 năm nay đỡ tốn sức hơn trong việc học các môn không trọng tâm trong việc thi đại học. Giả sử như em khối A thì có thể chọn các môn đã và đang ôn thi đại học như hóa, lý còn các em khối D cũng có thể chọn toán, văn và có thể chọn các môn tự chọn là ngoại ngữ hoặc địa lý”.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng giảm bớt các môn thi không chỉ khiến học sinh vui mừng mà ngay cả các bậc phụ huynh và nhà quản lý giáo dục cũng cảm thấy hợp lý và phấn khởi. Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn Bộ sớm ra quyết định và lựa chọn phương án 1 nhằm giảm tải áp lực học tập thi cử cho các con.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội), việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi là hợp lý. Đây là bước đột phá đầu tiên của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm thực hiện Đề án Đổi mới  căn bản toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị Quyết Trung ương 8 (khóa 11).

Với phương án này, học sinh sẽ giảm tải được chương trình học rất nhiều. Các em có nhiều thời gian tập trung hơn vào những môn thi đại học. Bên cạnh đó khi đã xác định được các môn thi rồi thì trong quá trình học các em sẽ được giáo viên hướng dẫn ngay từ đầu. Riêng đối với những môn khác không thi vẫn được các thầy cô dạy chú trọng và các em vẫn phải đạt từ điểm trung bình trở lên.

Tuy nhiên, băn khoăn của ông Nguyễn Quốc Bình và nhiều nhà quản lý giáo dục khác là việc miễn thi cho 20% học sinh giỏi nếu làm không khách quan, bài bản, rất dễ nảy sinh tiêu cực.

Ông Nguyễn Quốc Bình nói: “Ở đây chưa rõ 20% tối đa hay là mỗi một địa phương được lựa chọn 20% để miễn thi tốt nghiệp. 20% miễn thi ở Hà Nội rõ ràng sẽ phải khác tiêu chuẩn, tiêu chí so với các tỉnh, các vùng khó khăn. Các địa phương cũng cần xây dựng các tiêu chí và cũng cần có những lựa chọn các phương án xét tuyển làm sao để giảm bớt những tiêu cực khi mà thực hiện việc xét tuyển này. Lâu nay chúng ta đều thấy là cứ mỗi khi có một sự ưu tiên, ưu đãi gì thì cũng có một sự len lỏi ở đâu đó những cái không bình thường. Vì vậy đòi hỏi nhà quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng tham gia vào hoạt động này để làm sao minh bạch hơn”.