Trước áp lực và những lo ngại về vấn đề nợ công tăng nhanh, thậm chí tốc độ tăng nợ cao gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm, nhiều người kỳ vọng, Dự Luật sẽ giúp thay đổi hẳn phương thức quản lý nợ công theo hướng chặt chẽ, hiệu quả, tăng trách nhiệm người sử dụng vốn vay.
Có thể nói, không một kỳ họp Quốc hội nào vấn đề nợ công không nóng, bởi những áp lực với nền kinh tế và đối lập với nợ công tăng nhanh là những dự án thất thoát, lãng phí. Những con số được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra trước Quốc hội lần này, một lần nữa cho thấy những áp lực trước vấn đề nợ công. Dù đến cuối năm 2016 các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: Nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu ngân sách Nhà nước. Nhưng chỉ tính riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ (trong đó vay ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94%) đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2011 đã tăng 6,5 lần. Công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập: Nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Có ĐB đã đặt vấn đề, từ khi có Luật Quản lý nợ công năm 2009 đến nay, lẽ ra nợ công phải nằm trong tầm kiểm soát chứ không thể tăng nhanh như thế? Dự Luật sửa đổi lần này có giải quyết được những bất cập hiện nay. Nợ công tăng có nhiều nguyên nhân, nhưng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, có nguyên nhân từ việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ…
Việc sửa đổi Luật lần này được khẳng định tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các quy định của pháp luật nói chung và các quy định liên quan đến công tác quản lý nợ công nói riêng. Điểm quan trọng, xuyên suốt là Dự Luật đã quy định chặt chẽ, gắn trách nhiệm trong quản lý, điều hành nhằm cải thiện bức tranh nợ công hiện nay. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về giám sát, sử dụng nợ công để đảm bảo việc huy động, phân bổ, sử dụng nợ công đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình. Đồng thời bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nợ công và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm…
Một đổi mới nữa là, tới đây thẩm quyền quyết định chỉ tiêu an toàn nợ công thuộc Quốc hội. Đầu mối quản lý cũng sẽ thống nhất, hy vọng khắc phục được tình trạng "cắt khúc, quản lý nợ công không theo hệ thống". Như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nêu: "Nhà chỉ có một cửa trả nợ mà tới vài ba cửa vay thì cần xem xét lại. Chuyện đi vay không chỉ là trả nợ, mà còn ở hiệu quả vốn vay".
Dự Luật này sẽ được Quốc hội thảo luận thấu đáo trong những ngày tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sửa luật là một trong những giải pháp quan trọng về thể chế. Nhưng cùng với thể chế tiến bộ, chặt chẽ, còn phụ thuộc vào việc thực thi sự thống nhất với các luật liên quan đến quản lý đầu tư công, xây dựng cơ bản - những lĩnh vực vốn lâu nay làm phát sinh nợ công nhiều nhất. Bởi thế, có ý kiến đề xuất, cùng với lưu ý đến tốc độ vay nợ làm sao cho bảo đảm sự phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, điều quan trọng là đồng vốn vay sẽ đem lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, Luật sửa đổi phải nâng cao được trách nhiệm của người sử dụng vốn.