Dự thảo bảng giá đất năm 2019 tại TP Hồ Chí Minh: Nguy cơ nghĩa vụ tài chính tăng cao

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự thảo bảng giá đất năm 2019 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do sở Tài chính chủ trì xây dựng đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan, giá đất trên địa bàn quận 2 thấp hơn quận 7, trong khi đó giá đất giao dịch trên thị trường quận 2 đã vượt quận 7, điều này liệu có công bằng?

Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 cao nhất lên đến 30% dẫn đến nguy cơ nghĩa vụ tài chính cũng sẽ tăng theo.

Mặc dù không có nhiều ý nghĩa khi áp dụng vào giao dịch thực tế nhưng bảng giá đất được công bố hàng năm được sử dụng vào một số mục đích, chủ yếu làm cơ sở để xác định nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước khi tổ chức cá nhân được giao đất.

Giá bất động sản trên địa bàn quận 2 xếp vào nhóm cao nhất hiện nay nhưng nghĩa vụ tài chính lại thấp hơn quận 7.

Theo quy định hiện hành, bảng giá đất được dùng để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê mà thửa đất hoặc khu đất của dự án có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) dưới 30 tỉ đồng; Đối với trường hợp thuê đất thu tiền hằng năm mà phải xác định lại đơn giá thuê đất để điều chỉnh cho chu kỳ tiếp theo đối với thửa đất hoặc khu đất được Nhà nước cho thuê sử dụng vào mục đích kinh doanh thương mại, dịch vụ, bất động sản, khai thác khoáng sản có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) từ 30 tỉ đồng trở lên; Giá thuê đất trả tiền thuê hằng năm (không bao gồm trường hợp thuê đất sử dụng vào mục đích kinh doanh thương mại, dịch vụ, bất động sản); Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm; xác định giá trị quyền sử dụng đất để đưa vào tính giá trị tài sản giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính…

Theo dự thảo điều chỉnh bảng giá đất năm 2019 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, quận 2 được xếp vào Khu vực 3, trong khi đó quận 7 được xếp vào khu vực 2. Có nghĩa là giá đất để tính nghĩa vụ tài chính với nhà nước của quận 7 sẽ cao hơn quận 2. Trong khi đó, giá nhà đất trên địa bàn quận 2, hạt nhân là Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện nay đã cao hơn rất nhiêu so với giá đất trên địa bàn quận 7.

Phản biện lại quy định bất hợp lý này, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chính Minh (HoREA) cho rằng: “Có một điểm rất bất hợp lý là quận 2 lại xếp vào Khu vực 3, thấp hơn quận 7 được xếp vào Khu vực 2. Điều này chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng đối với người sử dụng đất khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, vì mức nộp ở quận 7 cao hơn quận 2, trong lúc điều kiện hạ tầng đô thị của hai quận này là tương đương với nhau”. Vì vậy, HoREA kiến nghị UBND thành phố, sở Tài chính nghiên cứu xếp quận 2 vào Khu vực 2, cùng nhóm với quận 7 thì hợp lý hơn và đảm bảo sự công bằng khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.

Một nội dung khác cũng gây tranh cãi trong dự thảo bảng giá đất đất năm 2019 đó là hệ số điều chỉnh giá đất. Dự thảo bảng giá đất năm 2019, sở Tài chính đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 tăng từ 19% đến 30% so với năm 2018 và cao nhất từ trước đến nay. Đối chiếu với lần điều chỉnh năm 2018 chỉ cao hơn năm 2017 từ 5 % đến 8,3%... HoREA cho rằng để không làm tăng quá nhiều nghĩa vụ tài chính của các cá nhân, hộ gia đình khi thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở, Hiệp hội kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Tài chính tiếp tục áp dụng mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 cũng tương đương cách tính mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 theo Quyết định 09/2018/QĐ-UBND, tăng từ 5%-8,33%, vì mức đề xuất tăng từ 19% đến 30% của Sở Tài chính là quá cao và chưa hợp lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần