70 năm giải phóng Thủ đô

Dự thảo Chương trình GDPT: Kỳ vọng sự toàn diện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những đổi mới trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể đã được đề cập trong chương trình phổ thông hiện hành.

Dự thảo Chương trình GDPT: Kỳ vọng sự toàn diện - Ảnh 1Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS.TS Bành Tiến Long - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cần nhấn mạnh đạo đức lối sống...

Ông có nhận xét gì về sự đổi mới mang tính tổng thể của Chương trình GDPT mới?

- Dự thảo Chương trình lần này có nhiều nội dung đổi mới mang tính tổng thể, trong đó cốt lõi là phương pháp giáo dục tiếp cận nhận thức và hành động được nhắc đi nhắc lại nhiều lần; coi như đột phá của đổi mới “chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học’’. Tôi cho rằng, Dự thảo khá công phu, đúc kết và kế thừa những nội dung tốt, khắc phục những bất cập của Chương trình GDPT hiện hành. Ngoài ra, chú trọng các nội dung về phân hóa, tích hợp, kỹ năng thực hành, liên thông, kỹ năng vận dụng kiến thức, đạo đức, lối sống, giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp... Thực ra, các nội dung này trong chương trình phổ thông hiện nay đã đề cập, song chưa trở thành pháp lệnh chính thức, bởi đều gán cho trách nhiệm người thầy. Còn ở Dự thảo chương trình mới, các đối tượng liên quan như kết cấu môn học, nội dung sách giáo khoa (SGK) và học sinh (HS) phải chủ động nhận trách nhiệm “phát triển năng lực”. Tuy nhiên, Dự thảo cần được bổ sung về giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật trong chương trình… Nhưng cuối cùng lý thuyết phải thể hiện qua hiệu quả của giáo dục, tức là các em đã nắm được gì và làm được gì sau một năm học, một cấp học.

Cũng có ý kiến băn khoăn, việc thiết kế thời lượng cho các môn học rất có thể dẫn đến học lệch, thưa ông?

- Nhìn vào dự thảo kế hoạch học tập của các cấp học, môn học và số tiết trung bình của một tuần, thì thấy môn Toán, Văn, Ngoại ngữ luôn được coi trọng. Đây là các môn công cụ, có thời lượng nhiều hơn. Tuy nhiên, các môn học khác không thể xem nhẹ, trong đó có môn Lịch sử, Địa lý hay Giáo dục công dân, bởi tác động trực tiếp đến nhân cách, đạo đức và giáo dục phát triển toàn diện. Cho nên những môn học này cũng phải cân đối, nhưng quan trọng là nội dung SGK phải được chuyển tải cô đọng, dù là tích hợp hay chuyên sâu. Thái độ ứng xử khi phân bố chương trình phải làm cho thầy cô hứng thú dạy, HS thích học. Nhiều lúc cũng phải đặt câu hỏi, tại sao không thể lấy môn Lịch sử thay các môn khác để thi tốt nghiệp THPT?

Vậy, nội dung các môn học phải chuyển tải thế nào để khuyến khích HS phát huy năng lực?

- Nội dung SGK có 2 phần chính: Phần kiến thức (học thuật) và phần thực hành (thực nghiệm). Kết cấu thế nào là việc rất công phu, do các chuyên gia viết sách quyết định, nhưng cần tham khảo nhiều nội dung của các nước có nền giáo dục phát triển. Song muốn HS phát huy khả năng sáng tạo thì nội dung SGK phải rất cơ bản. Bởi khối lượng kiến thức mới về khoa học trên một đơn vị thời gian hiện nay, đặc biệt công nghệ thông tin phát triển mạnh, không thể có đủ thời gian để giảng dạy, truyền đạt và nhớ. Chúng ta xem SGK phổ thông và giáo trình ĐH của các nước phát triển thấy, chỉ trừ sách chuyên khảo và tham khảo phục vụ nghiên cứu người ta mới viết phức tạp, chuyên sâu, còn lại rất cơ bản - cơ bản chứ không đơn giản. Mọi sự dạy thêm, học thêm, quá tải… là do nội dung SGK quá “tham”, cuối cùng học xong, HS không nắm được gì.

Ông kỳ vọng gì về sự đổi mới giáo dục này?

- Tôi muốn sản phẩm giáo dục sẽ là lớp HS có đủ năng lực, có khối lượng kiến thức cơ bản vững chắc, giỏi về kỹ năng, thực hành, thực nghiệm, có phẩm chất đạo đức tốt, thông minh, sáng tạo. Như thế, chúng ta có một lớp công dân trẻ phát triển toàn diện.

Xin cảm ơn ông!