|
Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán dầu khí Lê Đức Khánh |
Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cần đưa ra những quy định thay đổi mạnh mẽ và quyết tâm hơn nữa để thị trường chứng khoán (TTCK) thực sự là một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Nâng chất lượng hàng hóa, bảo vệ nhà đầu tưDự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa được UBCKNN đưa ra lấy ý kiến với các nội dung sửa đổi quan trọng liên quan đến chào bán chứng khoán, công ty đại chúng, công bố thông tin… Theo ông, việc đưa ra các sửa đổi thời điểm này có phù hợp không?- Tôi cho rằng, việc đưa ra Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hội nhập kinh tế, câu chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam đang đặt ra cấp thiết hiện nay. Kinh tế Việt Nam đang giai đoạn tăng tốc, TTCK với quy mô vốn hóa ngày càng tăng, cần có những biện pháp thúc đẩy sự phát triển mạnh của thị trường, kể cả TTCK phái sinh, trái phiếu DN....
Có thể thấy, Luật hiện hành đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cho TTCK còn non trẻ của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều quy định của luật hiện hành đã lỗi thời, đỏi hỏi phải sửa đổi để phù hợp hơn với quy mô thị trường cũng như các vấn đề đang phát sinh trên TTCK hiện nay. Ví dụ, năm 2006, vốn hóa của TTCK chỉ chiếm khoảng 22% GDP thì hiện tại, quy mô của thị trường cổ phiếu chiếm từ 77 – 80% GDP. Năm 2006, thị trường chỉ có khoảng 200 DN niêm yết, đăng ký giao dịch thì đến nay, thị trường có gần 1.500 DN. Ngoài ra, theo luật hiện hành, vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tại thời điểm đăng ký chào bán là 10 tỷ đồng. Mức này là quá thấp và không phù hợp với thị trường hiện tại.
|
Khách hàng theo dõi thông tin chỉ số tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Ông đánh giá thế nào về những sửa đổi liên quan đến điều kiện chào bán, điều kiện phát hành, hay điều kiện đối với công ty đại chúng… theo Dự thảo Luật sửa đổi?- Những sửa đổi tại Dự thảo là để phát triển thị trường theo chiều sâu, nâng chất lượng kênh huy động vốn này, đồng thời hướng tới một TTCK bền vững, minh bạch. Dự thảo Luật đưa ra quy định, để được chào bán chứng khoán ra công chúng, DN phải đảm bảo có vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký chào bán tối thiểu 30 tỷ đồng, tăng 3 lần so với mức 10 tỷ đồng như luật hiện hành. Đặc biệt, DN phải có hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
“Sửa đổi Luật Chứng khoán là yếu tố tiên quyết tạo nền tảng pháp lý cho hầu hết các hoạt động trên thị trường tài chính - chứng khoán, giúp thị trường trở nên minh bạch hơn. Dự thảo luật nếu được thông qua trong thời gian tới với những tiêu chí cao hơn, quy định chặt chẽ hơn, phù hợp với thực tiễn hơn sẽ góp phần tạo đà cho việc nâng hạng TTCK của Việt Nam”. - Đại diện Tập đoàn Hà Đô |
Về giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết chắc chắn. Những quy định này đã nâng cao điều kiện, giá trị của cổ phiếu được phát hành ra công chúng, giảm bớt rủi ro cho DN. Điều này cũng cho thấy nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc quản trị rủi ro trên TTCK khi việc phát hành tràn lan, thu tiền của cổ đông có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của DN, đặc biệt, các DN nhỏ lẻ trên thị trường.
Mức xử phạt các vi phạm trên thị trường vẫn thấpCũng tại Dự thảo, một số quy định về xử phạt các vi phạm trên TTCK đã được sửa đổi. Theo ông, các giải pháp này đã đủ để “trị” việc một số “cá mập” bắt tay làm giá trên TTCK chưa?- Về thanh tra, xử lý vi phạm, Dự thảo bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCKNN khi tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm… Đối với mức phạt, dự thảo quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa trong trường hợp tái phạm gấp 2 lần mức phạt vi phạm lần đầu. Ngoài ra tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý quy định tại luật này. Chủ tịch UBCKNN, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Tuy nhiên theo tôi, cần nâng trần mức phạt lên, thậm chí lên tới 20 tỷ đồng, và áp dụng nhiều mức khác nhau giúp tăng tính răn đe để làm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như hạn chế các sai phạm trên TTCK.
Theo ông, những sửa đổi đưa ra tại Dự thảo đã đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về nâng chất lượng cũng như tăng tính minh bạch, công khai của TTCK? - Như tôi đã nói ở trên, việc sửa đổi theo Dự thảo Luật Chứng khoán mới đang dần đáp ứng nhưng chưa đủ. Cần phải mạnh mẽ thay đổi và quyết tâm hơn. TTCK Việt Nam còn quá non trẻ so với các TTCK khác trên thế giới. Nhưng, chúng ta đang đi đúng hướng cũng như học hỏi kinh nghiệm của các TTCK phát triển để ngày càng hoàn thiện hơn về chất lượng, quy mô, nâng cao tính minh bạch để thị trường ngày càng phát triển hơn.
Ông đánh giá thế nào về TTCK thời gian tới. Bức tranh tài chính quý III và 9 tháng năm 2018 sẽ tác động thế nào đến thị trường nói chung và giá các cổ phiếu nói riêng?- TTCK thời gian tới, về ngắn hạn, VN- Index có khả năng điều chỉnh quanh mốc 890 (+/-10 điểm) hoặc tệ hơn về vùng 800 - 820 điểm. Tuy nhiên, thị trường sẽ hồi phục nhanh sau đó và tiếp tục quay lại khu vực vùng đỉnh cũ được xác lập giai đoạn T4/2018.
Tôi tự tin vào triển vọng thị trường trong dài hạn. Về ngắn hạn, việc giao dịch đầu cơ cổ phiếu cần phải thận trọng và hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy.
Xin cảm ơn ông!