Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật Đất đai chưa làm rõ vấn đề hòa lợi ích các bên

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành cho rằng, đất đai có vai trò quan trọng trong nhiều mặt đối với đất nước và người dân, đáp ứng các nhu cầu ở, sống, kinh doanh, đầu tư, phát triển an ninh, quốc phòng… do đó, luật cần hài hòa lợi ích của các bên liên quan.

Ngày 10/3, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một trong những nội dung được bàn luận nhiều là vấn đề hài hòa lợi ích của các bên liên quan đến đất đai.

Theo TS Võ Trí Thành, việc đảm bảo lợi ích cân bằng hoàn hảo trong cộng đồng là rất khó. Trong điều kiện không tối ưu, cần chú trọng việc bồi thường, chia sẻ thông qua các chính sách đối với các thành phần khác nhau, phối hợp nhiều công cụ khác để đảm bảo lợi ích các bên liên quan...

“Đất đai có vai trò quan trọng trong nhiều mặt đối với đất nước và người dân, đáp ứng các nhu cầu ở, sống, kinh doanh, đầu tư, phát triển an ninh quốc phòng… do đó dự thảo Luật cần hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa nêu rõ thế nào là hài hòa lợi ích” – TS Võ Trí Thành nhìn nhận.

Vẫn còn nhiều bất cập trong quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Vẫn còn nhiều bất cập trong quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cùng bàn luận về vấn đề này, TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về quyền góp vốn giá trị quyền sử dụng đất, vì đất đai là tài sản công đặc biệt, nếu đem tài sản công không có quyền sở hữu để góp vốn thì không hợp lý, dẫn đến nhiều bất cập, nhất là vướng mắc trong vấn đề định giá đất do giá cả biến động, khó khăn trong việc bồi thường.

Ông Nguyễn Quân dẫn chứng, hiện nay dự thảo luật quy định Nhà nước thu hồi đất trong một số trường hợp tại Điều 78, liên quan đến an ninh quốc phòng, giao thông công cộng, nhưng có nhiều trường hợp khá phức tạp. Hiện nay, trên 70% số đơn khiếu kiện, tranh chấp là về lĩnh vực đất đai. Nếu không quy định rõ tiêu chí các dự án vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, mục đích công cộng quốc gia, thì dự án nào cũng có thể xếp vào loại này, dẫn đến nhiều hệ lụy. Nếu Nhà nước đứng ra thu hồi đất để phục vụ cho các dự án thương mại của các doanh nghiệp thì sẽ không nhận được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, có thể gây mâu thuẫn xã hội, khiếu kiện kéo dài, dễ dẫn đến sai phạm.

“Bên cạnh đó, đối với việc bồi thường khi thu hồi đất, dự thảo đưa ra khái niệm “giá thị trường”, nhưng chưa xác định được rõ “giá thị trường” là giá nào, vì giá đất có thể biến động rất nhanh, đặc biệt khi có dự án liên quan. Chưa xác định rõ cơ quan nào đứng gia xác định giá thị trường, trong khi thực tế bảng giá đất của các địa phương đều không sát với giá thị trường. Vì vậy, việc bồi thường theo giá thị trường là việc rất mơ hồ, khó xác định chính xác, nên trong quy định tại dự thảo là chưa đảm bảo khả thi trong áp dụng thực tế” - TS Nguyễn Quân đánh giá.

Theo kế hoạch, đến hết ngày 15/3/2023, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là Bộ TN&MT sẽ kết thúc thời gian xin ý kiến góp ý của Nhân dân. Hiện nay, căn cứ vào những ý kiến đóng góp, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua, dự kiến Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua vào Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Đến nay, Bộ TN&MT đã tổng hợp được trên 200 ý kiến của tổ chức, cá nhân, tập trung vào 4 nội dung: tài chính đất đai, thu hồi bồi thường, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất khu công nghiệp và đất nông nghiệp.