Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật Đầu tư: Doanh nghiệp không phải ký quỹ bảo lãnh ngân hàng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành một số sửa đổi trong Luật Đầu tư, dự kiến sẽ được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội tới đây để thống nhất thông qua.

Theo đó, tại khoản 1 Điều 44 Dự thảo Luật Đầu tư, về phương thức “ký quỹ” đã bổ sung thêm phương thức hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ. Nhà đầu tư không phải ký quỹ hoặc không phải có bảo lãnh ngân hàng, trong trường hợp: “Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác”.
Dự thảo Luật Đầu tư nếu được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc, ách tắc về thủ tục đầu tư cho DN. (Ảnh: Doãn Thành).
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Đầu tư mới cũng quy định cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai tại khoản (3.a) Điều 30.
Dự án có đề nghị giao đất, cho thuê đất và không thuộc một trong các trường hợp: Đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, thì không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo khoản 1.b Điều 33 của Dự thảo.
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, Dự thảo Luật Đầu tư nếu được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc, ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, nhất là các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm: Đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp), do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, phải chuyển mục đích sử dụng đất, sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, phát triển thị trường BĐS ngay sau đại dịch Covid-19 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị làm rõ một số khái niệm, như Dự thảo Luật Đầu tư, Nhà đầu tư, xúc tiến đầu tư. Và đề nghị bổ sung loại hình “dự án thử nghiệm” vào khoản 7 Điều 3; trường hợp “dịch bệnh” vào khoản 2 Điều 10 của Dự thảo Luật Đầu tư.
“Các dự án thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đang là xu thế khởi nghiệp sáng tạo đặc thù, đang được các nước tạo điều kiện ưu đãi và nguồn lực để phát triển. Đối với trường hợp bị ảnh hưởng do “dịch bệnh” Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân và DN vượt qua “đại dịch Covid-19”. Do vậy, đề nghị bổ sung trường hợp “dịch bệnh” và bổ sung hình thức “hỗ trợ” vào khoản 2 Điều 10 Dự thảo Luật Đầu tư” - ông Châu cho hay.