Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Kéo dài thời gian, mở rộng diện kê khai tài sản

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kéo dài thời gian kê khai và mở rộng đối tượng là người thân, để tránh tình trạng về hưu rồi tự nhiên vợ con lại sở hữu những biệt phủ nguy nga.

Đó là ý kiến của nhiều ĐB tại phiên thảo luận tổ chiều 9/11 về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Xây dựng công cụ phòng ngừa

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, trên cơ sở đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã nêu những điều làm được và hạn chế. Do đó, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này phải tập trung vào “phòng là chính”, phải thiết kế làm sao để nếu ai đó có ý đồ tham nhũng cũng không tham nhũng được.

“Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được các công cụ để phòng ngừa. Nếu chúng ta làm tốt điều này thì tổ chức thực hiện hiệu quả mới cao, sẽ bịt được các kẽ hở, từ đó ít phải xét xử, xử lý các vụ án tham nhũng hơn. Còn để xảy ra tham nhũng rồi, xử lý các vụ việc thì đều rất đau lòng, xử tù tội, tử hình một con người sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình, dòng tộc… rất đau xót” – ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ, chiều 9/11. Ảnh: TTXVN

Đồng quan điểm, ĐB Lê Quý Vương (đoàn Hưng Yên) cũng đề nghị dự thảo Luật cần mở rộng đối tượng áp dụng ra khu vực ngoài Nhà nước, bởi trong bối cảnh đổi mới hiện nay, các đơn vị kinh tế Nhà nước sẽ giảm, khu vực tư nhân tăng lên và tác động lại đến công tác quản lý của Nhà nước. Trong khi đó, ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) nêu quan điểm, nếu đưa quá nhiều, đưa tràn lan đối tượng “nguy cơ tham nhũng” nhưng khả năng quản lý không có sẽ khó kiểm soát được, do đó phải xem xét, tính toán lại, chứ đưa những đối tượng chẳng có gì để tham nhũng vào thì “vừa buồn vừa tủi”.

Biệt phủ xuất hiện khi cán bộ về hưu

Đi sâu vào phân tích dự thảo, với quy định về việc cán bộ thuộc đối tượng kiểm soát phải kê khai tài sản, thu nhập của cả người thân, ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng có nghịch lý khi chỉ buộc kê tài sản với con chưa thành niên – đối tượng vẫn phải sống phụ thuộc, gần như không có tài sản trong khi con đã thành niên là đối tượng có khả năng “tiếp tay” cho việc tẩu tán tài sản tham nhũng lại không phải kê khai. Mở rộng diện đối tượng trong trường hợp này, theo ông Hiểu, chính là để theo dõi sự biến động tài sản của cán bộ.

ĐB Ngọ Duy Hiểu cũng mong muốn có quy định để cán bộ công chức phải tiếp tục kê khai tài sản trong thời gian 5 năm sau khi về hưu như một giải pháp để ngăn chặn tương tự như quy định cấm quản lý DN trong lĩnh vực mà cán bộ từng đảm nhiệm chức vụ. ĐB chỉ ra, thực tế đã có nhiều trường hợp cán bộ về hưu rồi tự nhiên xuất hiện biệt phủ nguy nga.

Chia sẻ suy nghĩ này, ĐB Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Viện Tim Hà Nội cũng nêu băn khoăn về quy định kê khai tài sản của người thân của cán bộ. “Như vụ VN Pharma vừa qua, trong khi lãnh đạo Bộ Y tế vừa khẳng định không có người thân tham gia DN thì lại có thông tin cho thấy có em chồng của Bộ trưởng tham gia. Việc này dù có được giải thích em chồng không thuộc đối tượng phải kê khai trong bảng kê tài sản của Bộ trưởng thì cũng đã tạo ra dư luận không tốt. Vậy phải đưa vào quy định việc phải kê khai với cả bố mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột và anh chị em vợ/chồng”- ĐB đề nghị.

Đồng ý với những lập luận các đồng nghiệp đưa ra, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, buộc kê khai tài sản với cả con đã thành niên sẽ là công cụ kiểm soát hữu hiệu. Dẫn ví dụ trường hợp “biệt phủ” của nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh mà dư luận nêu vấn đề gần đây, ĐB nói: “Biệt phủ đứng tên sở hữu của con gái cán bộ. Nhưng con gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ nguy nga như vậy thì thật là kỳ lạ. Trường hợp này dễ thấy nhiều điểm bất thường ở đây”.

Trao đổi với báo chí, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua lấy ý kiến các ĐB Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV có 4 nhóm vấn đề được tập trung là: Tài chính, Ngân hàng, TT&TT, TAND. Quốc hội cũng sẽ dành thời gian nửa ngày cho Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ làm rõ thêm các vấn đề và trả lời trực tiếp các nội dung ĐB chất vấn.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn (từ 16 - 18/11).

Định kiến về giới vẫn nặng nề

Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, công tác bình đẳng giới trong những năm qua đã đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược đề ra đến năm 2020, đến nay có 8 chỉ tiêu đã đạt và sẽ duy trì, 2 chỉ tiêu không đạt và một số chỉ tiêu đã được triển khai nhưng không có khả năng thu thập đầy đủ số liệu. Cùng với đó, nhiều vấn đề nảy sinh có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nhất là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục chưa được quan tâm, giải quyết kịp thời cũng gây bức xúc trong xã hội...

Trong số các nguyên nhân, Chính phủ cũng đề cập đến tư tưởng trọng nam hơn nữ, hẹp hòi trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo đã tạo ra những rào cản không nhỏ để phụ nữ khẳng định bản thân trong công việc và cuộc sống…

Từ thực tế trên, ĐB Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cho rằng: “Nếu vẫn giữ độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là 55 tuổi tôi đề nghị cách tính năm, tính hàm phải có sự thay đổi. Ví dụ như nam 3 năm nâng lương một lần, 3 năm nâng một cấp hàm đối với sĩ quan. Thì đối với nữ chỉ nên là 2,5 năm. Như thế đến tuổi nghỉ hưu nữ mới bằng được nam giới”- ĐB Trương Minh Hoàng đề xuất.

Theo ĐB Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) đề nghị: “Nên có tuần lễ bình đẳng giới quốc gia, để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, tổ chức cùng hành động tạo sự cộng hưởng lan tỏa trong xã hội”.(Trần Hà)