Dự thảo Nghị định kinh doanh gas làm khó doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Bộ Công Thương đưa ra dự thảo nghị định thay thế Nghị định 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh gas, báo Kinh tế & Đô thị, ngày 18/5 có bài: “Giảm tiêu chuẩn sẽ tạo cơ hội cho gas giả” nêu những phân tích, đánh giá của các nhà quản lý, chuyên gia.

Ngay sau đó, Báo tiếp tục nhận được ý kiến của các DN nhỏ và vừa (DNNVV) kinh doanh gas về dự thảo này.

Báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu đến độc giả kiến nghị của ông Hà Ngọc Pha - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Đông Tùng (108 Trần Hưng Đạo, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang), đại diện cho các DNNVV kinh doanh trong lĩnh vực LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng - gas) ở các vùng, miền trên toàn quốc về những khó khăn nếu dự thảo này chính thức được ban hành.

 
Xưởng san chiết gas của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Đông Tùng.  Ảnh: Văn Trung
Xưởng san chiết gas của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Đông Tùng. Ảnh: Văn Trung
Theo ông Pha, trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 107 - nghị định được đánh giá là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các DN, thế nhưng đa số các DNNVV kinh doanh mặt hàng này không được bàn thảo, không được đóng góp ý kiến trong các hội nghị chính thức do Bộ Công Thương tổ chức. Do đó, vì quyền và lợi ích chính đáng của mình, vì sự phát triển của thị trường LPG trên cả nước, DNNVV đã nhóm họp vào ngày 10/5 tại Hà Nội và thống nhất những kiến nghị.

Quy định nên tính đến điều kiện từng khu vực

Tại khoản 2, Điều 13 dự thảo Nghị định có quy định thương nhân phân phối LPG phải “có kho LPG với tổng sức chứa các bồn tối thiểu 400m3 để tiếp nhận LPG từ tàu hoặc phương tiện vận chuyển khác, được xây dựng theo quy hoạch, bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, thuộc sở hữu thương nhân hoặc đồng sở hữu góp vốn xây dựng”, và tại khoản 3, Điều 13 quy định: “Có tối thiểu 100.000 chai LPG các loại (trừ chai LPG mini) thuộc sở hữu của thương nhân; các chai LPG này phải phù hợp với nhãn hàng hóa đã được đăng ký theo quy định của pháp luật tại cơ quan chức năng có thẩm quyền”.

Ông Pha cho rằng, trong nội dung dự thảo đề nghị cân nhắc đến các yếu tố như: Sự khác biệt về vùng miền, tỷ lệ dân số, thị trường, thị phần, năng lực quản lý của DN và số lượng các trạm đã được cấp giấy chứng nhận chiết nạp, sức chứa các kho bồn chứa theo quy hoạch của địa phương đã được phê duyệt để đưa ra các con số phù hợp. Bên cạnh đó, các thương nhân phân phối vì sự an toàn của nguồn cung, sự ổn định thị trường và vì khách hàng của mình, họ luôn ý thức được số lượng LPG cần thiết phải tồn kho nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Do đó, theo ông Pha, chỉ nên quy định ở mức tối thiểu một cách hợp lý để hạn chế áp lực về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, sức chứa, số lượng chai LPG cho các thương nhân phân phối.

Ban soạn thảo cũng cần tính đến quỹ đất ở các đô thị hiện nay rất hạn chế, trong khi nếu vẫn quy định sức chứa 400m3 thì quỹ đất dùng cho mục đích này là rất khó khăn, đồng thời sự an toàn, cháy nổ cũng theo đó gia tăng. Do đó, ông Pha cho rằng, Dự thảo nên quy định về sức chứa ở mức 150m3 và 100.000 chai LPG (kể cả chai mini) là phù hợp. Đồng thời, thời gian chuyển tiếp để đạt số lượng chai LPG là 3 năm để các thương nhân không bị phá sản, giải thể…

Thống nhất một cơ quan quản lý

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận thương nhân phân phối và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai, tại Điều 13, Điều 14, Điều 26 của dự thảo, DNNVV hiểu rằng: Muốn làm thương nhân phân phối, ngoài các điều kiện về sức chứa, về số lượng chai… thì còn phải có trạm nạp LPG vào chai đủ điều kiện thì Bộ Công Thương mới cấp giấy chứng nhận loại hình thương nhân phân phối. Sau đó, DN lại tiếp tục gửi hồ sơ đến sở Công Thương các tỉnh, TP để yêu cầu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai và ngược lại.

Quy định như vậy là gây khó khăn cho DN, tăng thêm thủ tục hành chính, trong khi đó, Nhà nước và Chính phủ đang yêu cầu giảm thủ tục hành chính, tạo điều thông thoáng cho DN hoạt động. Thực tế hiện nay, thương nhân phân phối LPG chủ yếu mua LPG từ các thương nhân xuất nhập khẩu, sản xuất, chế biến về sang chiết, nạp LPG vào chai, sau đó bán cho các tổng đại lý, đại lý và các cửa hàng. Do vậy, nên thống nhất một cơ quan quản lý về giấy phép là Sở Công Thương các tỉnh, TP. Ngoài ra, từ thực tế hoạt động hiện nay, ông Pha kiến nghị, Dự thảo không nên hạn chế số lượng ký hợp đồng của tổng đại lý và đại lý.

Từ những ý kiến đóng góp của DNNVV, hy vọng Bộ Công Thương xem xét, có những điều chỉnh hợp lý để khi Nghị định ban hành và áp dụng trên thực tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV kinh doanh có hiệu quả.