Dự thảo quy chế quản lý taxi Hà Nội: Không “ngăn sông cấm chợ”

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện có nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Quy chế “Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội” chưa phù hợp và có thể gây khó khăn cho DN.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận đúng bản chất các quy định được nêu ra trong dự thảo này mới có thể đánh giá một cách khách quan.
Phân vùng không phải ngăn cấm

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất tại Dự thảo Quy chế “Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội” là quy định phân vùng, quản lý hoạt động của taxi theo vùng đăng ký. Cụ thể, theo dự thảo sẽ có 2 vùng phục vụ dành cho các hãng taxi, xác định theo địa giới hành chính mà DN được đăng ký khai thác. Vùng 1 thuộc các quận và vùng 2 thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn TP.
 Taxi hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Xe taxi đã đăng ký khai thác ở vùng nào phải tập trung đỗ, dừng đón trả khách theo vùng đó; đạt tối thiểu 70% thời gian hoạt động/tháng tại vùng đã đăng ký. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga phân tích, hiện nhiều hãng taxi đăng ký hoạt động ở ngoại thành nhưng lại dồn xe vào tìm kiếm khách ở nội đô, làm gia tăng áp lực giao thông cho khu trung tâm TP. Nếu quy định rạch ròi được vấn đề DN đăng ký hoạt động vùng nào phải tập trung phục vụ người dân vùng đó, sẽ phân bổ đồng đều hơn số lượng taxi, chấm dứt được tình trạng co cụm, “cố thủ” trong nội thành của xe taxi.

"Quy chế cần tập trung quy định về việc điều chỉnh bố trí các kết nối giữa xe taxi với xe tuyến cố định (tại bến xe), các khách sạn, điểm vui chơi, bến tàu, nhà ga, trạm trung chuyển để đảm bảo việc đón, trả khách và phân luồng giao thông phù hợp, trên nguyên tắc ưu tiên bố trí cho taxi hoạt động." - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Có ý kiến cho rằng, dự thảo quy định taxi từ vùng 1 chỉ được trả khách, không được đón khách ở vùng 2 và ngược lại, dẫn đến “ngăn sông cấm chợ”, hạn chế sự phát triển của loại hình kinh doanh taxi. Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, cách nhìn nhận vấn đề như vậy là chưa đúng. Quy định không cấm taxi vùng 1 đón, trả khách ở vùng 2 và ngược lại, mà chỉ không cho phép taxi vùng 1 sử dụng hạ tầng dành riêng cho taxi vùng 2 và ngược lại. Ngoài các điểm đỗ, bến đỗ dành riêng cho taxi tại mỗi vùng, tại các điểm không cấm dừng đỗ, taxi vùng 1 hay 2 đều có thể dừng đỗ, đón trả khách, miễn là không vi phạm luật giao thông. “Chúng tôi chỉ đưa ra quy định ưu tiên sử dụng hạ tầng riêng cho taxi” - vị này nói.

Tập hợp lại trong một đầu mối

Dự thảo Quy chế “Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội” còn đưa ra giải pháp cho hai vấn đề cốt lõi của taxi truyền thống hiện nay. Thứ nhất là quy định tất cả xe taxi phải sử dụng chung một ứng dụng kết nối với hành khách; ứng dụng sẽ do Hiệp hội Taxi Hà Nội quản lý, vận hành. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này sẽ quy tụ các hãng taxi truyền thống về chung một đầu mối, thuận tiện cho việc quản lý hoạt động của taxi. Đồng thời, ứng dụng dùng chung này, trong tương lai có thể kết nối tốt với Trung tâm điều hành giao thông thông minh của Hà Nội, tối ưu khả năng quản lý giao thông nói chung của cả TP. Bên cạnh đó, taxi truyền thống đang dần đuối sức trước áp lực cạnh tranh gắt gao của taxi công nghệ. Ứng dụng công nghệ, cùng chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi, các hãng taxi truyền thống nhỏ lẻ sẽ được tăng cường đáng kể năng lực cạnh tranh của mình.

Thứ hai là quy định về quản lý số lượng xe taxi. Tiếp thu góp ý của Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất đưa xe taxi vào Kế hoạch phát triển các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn TP. Kế hoạch này sẽ được xây dựng và điều chỉnh theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, sự gia tăng phương tiện giao thông nói chung và xe taxi nói riêng sẽ phải phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông của TP. Như vậy, xe taxi sẽ không bị khống chế số lượng nhất định, mà thay vào đó, sự gia tăng phương tiện sẽ được điều tiết cho phù hợp với tốc độ phát triển hạ tầng giao thông. Ngoài ra, vấn đề về thống nhất màu sơn xe taxi Thủ đô cũng được đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, nếu được thông qua cũng sẽ thực hiện theo lộ trình thích hợp, hạn chế tối đa chi phí cho DN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần