Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo quy định sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học: Bộ GD&ĐT đang thiếu người tài

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Bộ GD&ĐT đã rút khỏi Cổng thông tin dự thảo Thông tư ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên (HSSV) đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng (CĐ), trung cấp hệ chính quy, trong đó quy định bán dâm 4 lần bị đuổi học nhưng nhiều ý kiến vẫn rất bức xúc.

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí xung quanh dự thảo quy chế ở Quốc hội. Ảnh Nguyên Nhung
Theo nhiều chuyên gia, Bộ GD&ĐT không chỉ rút dự thảo xuống là xong mà phải xem lại đội ngũ soạn thảo văn bản có vấn đề về năng lực và tư duy nhận thức.
Đội ngũ quân sư quá yếu kém

Ngay sau khi rút bản dự thảo Thông tư, Bộ GD&ĐT thẳng thắn thừa nhận: Trong quá trình soạn thảo Thông tư, Ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử phạt kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của HSSV, trong đó có hoạt động mại dâm không còn phù hợp. Do đó, cần phải điều chỉnh khi ban hành quy chế mới.
Ai là người soạn thảo ra văn bản này cần phải kiểm điểm nghiêm túc. Đội ngũ quân sư này không xứng đáng làm việc ở Bộ GD&ĐT.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởngVụ Giáo dục Đại học 
Tuy nhiên, khi cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của Nhân dân, Ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật bản phù hợp nhất. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, Ban soạn thảo tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo một cách tốt nhất. Bộ cũng sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của Ban soạn thảo và các cá nhân có liên quan.

“Ngớ ngẩn”, “nực cười”… là những từ được các chuyên gia, nhà giáo đưa ra khi bàn luận về dự thảo Quy chế HSSV quy định HSSV hoạt động mại dâm lần 1 bị hình thức xử lý khiển trách, lần 2 cảnh cáo, lần 3 đình chỉ có thời hạn, lần 4 buộc thôi học. Số lần vi phạm được tính trong cả khóa học.

Hệ quả của công tác cán bộ

Không chỉ bức xúc với quy định HSSV bán dâm đến lần thứ 4 mới bị đuổi học, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cùng nhiều ý kiến khác cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều văn bản có nội dung... “trên trời”. Bởi trước đó, vào năm 2013, Bộ này ban hành Thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, đã bổ sung 3 đối tượng được cộng 2 điểm. Đó là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Ngay sau đó, quy định này đã bị rút vì thực tế Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng không còn con ruột đang ở lứa tuổi thi ĐH, CĐ. Nực cười hơn nữa, năm 2017, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các trường phổ thông tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa. Bộ còn có nhiều quy định bất hợp lý khác nữa mà ngay khi ban hành đã phải rút vì không phù hợp với thực tiễn…

Trở lại với quy định HSSV bán dâm lần 4 mới bị buộc thôi học, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, đây là điều rất “buồn cười”. Pháp luật đã quy định không ai được phép bán dâm nhưng vì sao Bộ GD&ĐT lại cho phép vi phạm lần 1, 2, 3 và đến lần 4 mới bị buộc thôi học? Khi đưa ra quy định lần 1, 2, 3 nghĩa là Bộ GD&ĐT chấp nhận hành vi này. Chuyên viên nào soạn thảo ra văn bản này, thể hiện sự yếu kém về tư duy và phải bị kỷ luật. Còn TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Ban soạn thảo đã không lấy yếu tố giáo dục lên hàng đầu và chưa đề cao vai trò của người thầy. “Đây là hệ quả của việc đề bạt cán bộ không có năng lực để giải quyết công việc. Khi nhân viên đã kém, lãnh đạo duyệt dự thảo đưa lên Cổng thông tin lấy ý kiến còn kém hơn. Chúng ta đang cần người tài để làm giáo dục nhưng cơ quan Bộ dường như quá thiếu người tài” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định.