Dự thảo sửa đổi Thông tư 30: Giảm áp lực cho giáo viên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua (27/8), Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học (dự thảo sửa đổi Thông tư 30) để lấy ý kiến góp ý của xã hội.

Quy định không đánh giá bằng điểm số được nhà quản lý quyết định giữ nguyên để “bảo lưu” ý tưởng không gây áp lực cho HS.

Xếp loại học sinh theo mức A, B, C

Theo dự thảo Thông tư, có vẻ những người đứng trên bục giảng được giảm bớt áp lực. Cụ thể là trong đánh giá thường xuyên, quy định không đánh giá bằng điểm số được giữ nguyên, song không yêu cầu hàng tháng giáo viên (GV) phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Thay vào đó, GV được chủ động việc nhận xét, tự quyết định khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ cá nhân cho phù hợp. Cuốn sổ theo dõi chất lượng giáo dục trong Hồ sơ đánh giá cũng được thay thế bằng Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp, đi kèm với Học bạ của HS.
Giờ học Tiếng Việt của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Giờ học Tiếng Việt của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Hơn nữa, để giúp phụ huynh nắm bắt được mức độ học tập rèn luyện của con, sự đánh giá thường xuyên được “lượng hoá” thành các mức A, B, C vào giữa và cuối mỗi học kỳ. Trong đó, mức A dành cho HS nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục; Mức B dành cho những em nắm được kiến thức, biết vận dụng kiến thức kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục; Mức C là những HS chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục. Đánh giá năng lực phẩm chất cũng vậy, được lượng hóa thành 3 mức A, B, C vào giữa và cuối học kỳ.

Đánh giá định kỳ kết quả học tập được áp dụng với Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra vào cuối học kỳ I và cuối năm học. Riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra Tiếng Việt, Toán vào giữa 2 học kỳ. Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm.

Các danh hiệu khen thưởng trẻ nhỏ cũng bớt đánh đố người lớn hơn khi phân loại đối tượng cụ thể: HS hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện (Kết quả đánh giá các môn học, năng lực, phẩm chất đạt mức A; bài kiểm tra định kỳ các môn cuối năm học đạt 9 điểm trở lên); HS hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện (ít nhất 50% các môn học đạt mức A, các môn còn lại đạt mức B; năng lực, phẩm chất đạt mức A hoặc B; bài kiểm tra định kỳ các môn cuối năm đạt 7 điểm trở lên)...

Sẽ tiếp tục lắng nghe và chỉnh sửa

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, dự thảo này hội đủ tinh thần bổ sung và kế thừa những ưu điểm, đồng thời khắc phục những bất cập từ thực tế áp dụng Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ở các nhà trường. Những bất cập này không phải là đánh giá chủ quan của nhà quản lý, mà đã được tập hợp từ 63 Sở GD&ĐT trong cả nước cùng với nghiên cứu của 2 nhóm chuyên gia.

Phải nói là khá sát với những “lời than” của GV khi nhìn nhận ưu điểm của Thông tư 30 là vì sự tiến bộ của HS, giúp HS tự tin, thích học, không so sánh HS này với HS khác, nhấn mạnh đánh giá quá trình. Song, quy định nhận xét bằng lời ở đó chưa rõ, nên GV thực hiện cứng nhắc và nặng áp lực sổ sách, còn phụ huynh thì mù mờ về mức độ học tập, rèn luyện của con. Quy định việc khen thưởng chưa cụ thể nên GV lúng túng, mỗi trường làm một kiểu, mỗi nơi một danh hiệu khác nhau ghi trong giấy khen… Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết GV, kể cả GV chủ nhiệm lẫn GV dạy các môn phụ như Mỹ thuật, Thể dục… đều bày tỏ sự đồng tình khi Bộ GD&ĐT quyết định sửa Thông tư 30 cho sát với thực tế và giảm áp lực cho GV.

Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi tổng hợp các góp ý, Bộ sẽ lắng nghe và tiếp tục chỉnh sửa cho thật phù hợp để bắt đầu thực hiện ngay trong năm học 2016 - 2017 tới.