Nhiều người bảo: Sao ông bà dại thế, không những viết di chúc trao lại nhà cửa cho cháu ngoại lại ra hẳn phòng công chứng làm giấy tờ chuyển chủ quyền cho nó. Nhỡ nó có chủ quyền rồi đổi ý đuổi ông bà ra khỏi nhà thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Người lại bảo: Con trai, con gái nhiều mà ông bà không cho lại cho cháu ngoại. Ông bà nghĩ sao lạ vậy?
Ông bà nghe người làng kháo chuyện thì vẫn mỉm cười không giải thích gì cả. Đơn giản, đất đai do tổ tiên để lại, ông đã chia cho mỗi đứa con một phần, công bằng đầy đủ. Nhà và vườn còn lại là ông bà dành cho mình. Nay ông và bà đều đã tuổi trên 85, cũng chẳng sống được mấy năm nữa, ông bà quyết định cho đứa cháu 20 tuổi, đứa đã sống với ông bà hơn từ nhỏ hơn 10 năm nay. Ông bà ngoài di chúc, còn quyết liệt hơn là sang tên nhà cửa, đất đai cho nó, kẻo lỡ ông hay bà mất đi, việc cho nó tài sản trở nên khó khăn hơn, dễ dẫn đến cảnh “huynh đệ tương tàn”. Mà ông bà sức khỏe gần đây đã yêu, ông phải vào viện mấy lần do bệnh viêm phổi, không biết ra đi khi nào.
Đứa cháu có bố mẹ ở xa, vì hoàn cảnh nên ở nhờ nhà ông bà. Ngược lại, ông bà có đứa cháu cũng đỡ cô quạnh. Sinh ra đến 5 đứa con, nhưng ông bà không ở được với đứa nào, dù chúng vẫn sinh sống trong làng. Mỗi khi về thăm bố mẹ, chúng hỏi han chăm sóc bố mẹ thì ít, hỏi dò chuyện thừa kế đất đai thì nhiều. Ông bà ở ngôi nhà đơn sơ nhưng đất vườn rộng, đất mỗi ngày một lên giá. Con của ông cũng không hài lòng khi có đứa cháu ở trong nhà bố mẹ mình. Chúng vẫn nhắc rằng: Con cái còn sống cả đấy, quyền thừa kế không đến lượt hàng cháu nhé; rằng con cái đứa nào cũng đang khó khăn...
Mỗi lần như vậy, ông không nói gì nhiều, chỉ nhắc: “Chúng mày, đứa nào cũng được chia rồi nhé. Nhà của tao, tao muốn cho ai thì cho”.
Đứa cháu phần vì không được dự chuyện người lớn, phần ngây thơ nên không biết gì nên nó không bày tỏ thái độ gì với ai. Nó vẫn sống lặng lẽ kiểu của đứa trẻ thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, tuy bố mẹ vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm nó. Mẹ nó nói với nó: “Ông bà già rồi, con ở với ông bà cho vui. Khi nào con muốn về nhà, cứ xin phép ông bà về nhé”.
Nó tuy nhỏ nhưng hiểu được nhiệm vụ của mình. Do đó, cứ mỗi lần đi học về, nó cố gắng đỡ đần công việc cho ông bà nhiều nhất. Nó nhặt rau, nấu cơm, quét nhà... Mỗi khi ông hay bà ốm, nó lo lắng, rồi rót nước cho ông bà uống. Qua nhiều năm, ông bà cảm giác nó là cháu nhưng giông như con đẻ của mình.
Đứa bé lớn lên rất ngoan, lo học, không tụ tập ăn chơi khiến ông bà phiền lòng. Học hết phổ thông, đứa cháu đi học nghề rồi đi làm. Nó ra thành phố làm ở một công ty, cuối tuần mới về thăm ông bà. Đến tháng có lương, nó giữ lại một ít để trả tiền thuê phòng trọ, ăn uống, còn lại gửi ông bà. Nó nói: Cháu gửi ông bà tiêu bao nhiêu thì tiêu, còn dành dụm được bao nhiêu để cháu lấy vợ.
Lúc ông viêm phổi phải vào viện, bà già yếu không đi đâu được phải ở nhà, đứa cháu xin nghỉ việc để vào viện chăm ông. Nhìn ánh mắt lo lắng của đứa cháu khi chăm sóc cho ông, ông cảm giác ấm lòng. Trong khi đó, mấy đứa con lấy lý do Covid nên không vào viện thăm ông.
Khi ông ra viện, đứa cháu cũng chưa nỡ đi làm ngay. Nó cùng bà chăm ông cho đến khi ông có thể cưỡi xe đạp đi ăn cỗ rồi mới chịu khăn gói ra thành phố.
Lần ông kêu nó lại nói ý định cho nó nhà cửa. Nó im lặng một lúc rồi nói: “Cháu không dám nhận đâu. Cháu chỉ là cháu thôi. Bố mẹ cháu cũng có nhà cửa rồi sau này chia cho chúng cháu. Mẹ cháu nói, cháu thay mẹ làm nghĩa vụ chăm sóc ông bà vì mẹ ở xa”.
Ông phải tác động với mẹ nó, để nó nhận quyền thừa kế, vì ông muốn đứa cháu sau này là người thắp hương cho ông bà.
Mãi sau này, khi ông bà đã mất, đứa cháu nói trên cũng đã lập gia đình, mọi người mới hiểu tại sao ông bà chọn nó làm người thừa kế, như ông nói trước khi mất: “Đừng ai tranh giành với nó. Ai mất rồi cũng chẳng mang đi được gì, nhưng lúc tôi và vợ tôi còn sống thì đứa cháu đã giúp chúng tôi tin hơn về tình nghĩa con người”.