Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa chợ lưu động vào “vùng xanh an toàn”: Cách làm hay cần nhân rộng

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/8, quận Tây Hồ chính thức đưa 4/8 điểm chợ lưu động vào hoạt động trong khu vực “vùng xanh an toàn” trên địa bàn. Theo đánh giá của đông đảo người dân, đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Nhân dân đồng thuận
UBND quận Tây Hồ đã đưa vào hoạt động 4 điểm chợ lưu động tại Nhà văn hóa phường Nhật Tân, phố Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân); Nhà sinh hoạt khu dân cư số 13, ngõ 46 Nguyễn Hoàng Tôn (phường Phú Thượng); Nhà văn hóa tổ 6 + 7, ngõ 444 đường Thụy Khuê (phường Bưởi) và Nhà sinh hoạt khu dân cư số 3, số 69 đường Thụy Khuê (phường Thụy Khuê)…
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong ngày đầu triển khai, các điểm chợ lưu động đã thu hút được sự quan tâm, đồng thuận của đông đảo Nhân dân trên địa bàn.
 Người dân khi đến chợ lưu động được kiểm tra thân nhiệt kỹ càng.
Tại điểm chợ lưu động tại ngõ 444 đường Thụy Khuê, bà Nguyễn Thị Hằng, ngõ 429 đường Thụy Khuê, phường Bưởi cho biết, đây là việc làm hết sức hợp lý, tạo điều kiện cho người dân mua nhu yếu phẩm đảm bảo cuộc sống.
"Dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, ra ngoài đường, nơi đông người lúc này rất nguy hiểm vì chẳng biết sẽ tiếp xúc với ai, người đó có liên quan gì đến Covid-19 hay không?... Do đó, việc bố trí chợ ngay trong khu vực chốt “vùng xanh an toàn” sẽ giảm thiểu những hiểm nguy đến từ dịch Covid-19" - bà Nguyễn Thị Hằng cho hay.

Mặt hàng chủ yếu tại các điểm chợ lưu động trong chốt ''vùng xanh an toàn'' chủ yếu là lương thực, thực phẩm.
Tại điểm chợ lưu động phường Nhật Tân (Nhà văn hóa phường Nhật Tân), bà Đỗ Thị Tỵ, nhà 59 phố Trịnh Công Sơn cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân một tuần mới được đi chợ 2 lần. Do đó, việc quận Tây Hồ, phường Nhật Tân đưa chợ về với khu cư, “vùng xanh an toàn” là điều đáng ghi nhận, biểu dương, nên nhân rộng.
“Bởi trong cuộc sống hàng ngày, các nhu yếu phẩm là điều không thể thiếu được, việc đưa các chợ lưu động sẽ giảm thiểu những khó khăn, vất vả của người dân… đồng thời hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19” - bà Đỗ Thị Tỵ nói.
An toàn là trên hết
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Hoàng Tuấn Anh cho biết, việc bố trí các điểm chợ lưu động trong khu vực “vùng xanh an toàn” nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, hạn chế tình trạng người dân ra đường khi không cần thiết… và giảm thiểu các nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Trong quá trình thực hiện, quận Tây Hồ yêu cầu những các đơn vị tổ chức cung ứng thực phẩm phải đảm bảo các yếu tố an toàn lên hàng đầu, từ an toàn VSTP đến an toàn phòng, chống dịch” - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.
 Tại các điểm chợ lưu động, công tác đảm bảo an toàn được đặt lên hàng đầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Quận ủy, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Kinh tế lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm tại khu vực bán hàng đã được UBND các phường đăng ký cung cấp thực phẩm; Phối hợp với Đội QLTT số 9 kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm; Chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu để thống nhất danh mục hàng hóa cung ứng, phương thức bán hàng, địa điểm bán hàng tại các khu dân cư đã được UBND đề xuất.
Ngoài việc mua trực tiếp tại cửa hàng, người dân có thể lựa chọn đặt mua và giao hàng qua hệ thống zalo.
Lãnh đạo quận Tây Hồ thông tin, giống như hoạt động của các chợ dân sinh được phép hoạt động trong mùa dịch, người dân đến với chợ lưu động trong “vùng xanh an toàn” phải tuân thủ nghiêm thông điệp "5K", xuất trình và nộp thẻ vào chợ hoặc cung cấp thông tin tên, địa chỉ, số điện thoại nếu không có thẻ vào chợ; Thực hiện khai báo y tế đầy đủ; Không mua hàng khi phát hiện bản thân có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở…
Đối với nhân viên, người lao động của đơn vị cung cấp hàng hóa phải tuân thủ triệt để thông điệp 5K; nhắc nhở khách hàng luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi mua hàng; Trang bị tấm chắn tại khu vực quầy thanh toán; Nhập thông tin về địa chỉ, số điện thoại của khách hàng khi xuất hóa đơn…

Việc đưa chợ lưu động vào “vùng xanh an toàn” được xem như hình thành hậu phương vững chắc chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sinh hoạt ổn định, yên tâm phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, góp phần cùng TP Hà Nội thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.