Ý tưởng đưa chứng khoán về quê được nhiều CTCK manh nha ngay khi TTCK Việt Nam được khai sinh. Nhưng từ đó đến nay, nỗ lực phổ cập hoá đầu tư chứng khoán đến NĐT khắp các tỉnh, thành phố, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn gặp nhiều trắc trở.
Là công ty chủ trò đưa chứng khoán về quê và hiện là một trong những CTCK có nhiều đại lý nhận lệnh ở các tỉnh nhất với 50 đại lý, ông Hà Huy Toàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Nông nghiệp (Agriseco) chia sẻ: Ngay khi TTCK đi vào hoạt động năm 2000, Agriseco đã nảy ra ý tưởng đưa chứng khoán về quê.
Động lực thôi thúc Agriseco làm việc này là bởi có thể tận dụng lợi thế về con người, cơ sở vật chất của hệ thống giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vươn đến hầu hết các huyện, thị xã trên cả nước. Tuy nhiên, khi triển khai mới thấy… vã mồ hôi hột.
“Cứ một đại lý bung ra là phải thuê văn phòng, mua sắm máy móc, thiết bị để phục vụ NĐT. Đầu tư là như vậy, nhưng sau một thời gian hoạt động, có đại lý đã phải đóng cửa do khoản phí thu được không đủ nuôi cán bộ, nuôi máy móc”, ông Toàn nói.
Cũng là một trong số ít CTCK có đại lý nhận lệnh ở hầu khắp các tỉnh, thành phố (44 đại lý và 4 chi nhánh), ông Phí Quang Giáp, Trưởng phòng môi giới CTCK APEC cho biết, nỗ lực mở đại lý ở các tỉnh của các CTCK luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình là trình độ đầu tư của “thượng đế” ở quê còn hạn chế, nên phát sinh không ít rắc rối.
“Có NĐT sau khi trả tiền mua cổ phiếu xong, đòi nhân viên môi giới của Công ty đưa cổ phiếu cho họ cầm về nhà. Khi mới nghe giải thích, NĐT này không thông, nên nhất quyết hoặc là phải trả lại tiền hoặc đưa cổ phiếu cho họ cầm về. Phải mất một hồi giải thích, NĐT này mới hiểu luật mua bán cổ phiếu và không đòi nữa”, ông Giáp kể.
Tìm được đối tác mở đại lý ở quê cũng là chuyện “đau đầu” đối với CTCK. Do đây là loại hình kinh doanh còn mới mẻ, nên nếu đại lý làm không khéo dễ khiến chính quyền sở tại quy cho là mượn hơi kinh doanh để “làm xiếc” lấy tiền người dân. Từ đó dễ dẫn đến nhẹ thì thường xuyên bị “soi”, nặng hơn có thể bị cấm đoán hoặc gây khó dễ trong quá trình hoạt động.
Theo ông Giáp, đây là bài học “xương máu” mà những người đi phát triển đại lý ở các địa phương ai cũng nằm lòng. Bởi vậy, chọn đối tác để ký hợp đồng mở đại lý là cả một quá trình không dễ.
Để giảm thiểu những rủi ro trên, một mặt APECS khảo sát kỹ địa bàn để nắm bắt nhu cầu của NĐT, kèm theo đó là nhắm đến một số đối tác để ký hợp đồng mở đại lý. Các ứng viên mở đại lý sẽ được sàng lọc dựa trên các tiêu chí: sự am hiểu luật pháp, nhất là về TTCK; uy tín đối với chính quyền, giới đầu tư tại địa phương; năng lực tài chính…
Với những CTCK có số lượng đại lý lớn ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, phát triển được một đại lý đã khó, nhưng “nuôi” nó còn khó hơn. Theo ông Toàn, chuyện giữ người ở các đại lý không đơn giản.
Bỏ ra không ít kinh phí cho tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực, nhưng nhiều trường hợp họ chỉ làm việc một thời gian ngắn rồi chuyển đi, nên công ty lại phải tốn công sức, tiền của đào tạo nhân sự mới.
Có chủ đại lý sau một thời gian nhận lệnh, trình độ đầu tư “lên tay”, nên họ không làm thuê cho CTCK nữa, mà chuyển sang đầu tư chuyên nghiệp. Thế là bao nhiêu công sức, tiền của gây dựng đại lý đi tong.
Để “nuôi” đại lý, các CTCK còn phải duy trì một bộ phận thường xuyên theo dõi, quản lý, để vừa cập nhật chính sách mới của công ty và quan trọng hơn là “quản” về mặt nghiệp vụ, nhằm ngăn ngừa tiêu cực phát sinh.
Thành quả mà các CTCK nhận được từ nỗ lực mở rộng mạng lưới nhận lệnh của ở các địa phương là số tài khoản và mức phí đang dần tăng lên. Điều này đã góp phần đáng kể vào kết quả kinh doanh của các công ty. Đại diện Agriseco cho biết, hiện số tài khoản ở các địa phương lên đến 16.000/30.000 tổng số tài khoản toàn công ty.
Tính đến hết quý III/2009, các đại lý này đạt doanh thu 26 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng mức phí của Công ty. Theo ông Phí Quang Giáp, tính đến ngày 30/9, với tỷ lệ 70% số đại lý làm ăn có lãi, đã mang lại một khoản phí chiếm tới 25 - 40% mức thu của APECS…
Tuy nhiên, các CTCK đang phải đối mặt với một nỗi lo khác, đó là không còn nhiều thời gian để thực hiện đóng cửa đại lý nhận lệnh chứng khoán theo Quyết định số 126/2008/QĐ-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính (trong vòng 1 năm kể từ ngày Quyết định có hiệu lực). Tổng giám đốc một CTCK bày tỏ, đúng là có những đại lý làm ăn không đàng hoàng, nhưng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.
Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng này mà buộc tất cả các CTCK phải đóng cửa đại lý nhận lệnh là không hợp lý. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các công ty, nhất là trong bối cảnh sự cạnh tranh tại các thành phố lớn đang ngày càng gay gắt, nhưng quan trọng là NĐT chịu thiệt thòi do nhu cầu giao dịch chứng khoán không được đáp ứng.