Sau 15 năm triển khai, cuộc vận động (CVĐ) “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” đã góp phần xây dựng đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô vững mạnh mọi mặt, trở thành một bộ phận quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Cụ thể hàng năm, có từ 85% CNVCLĐ và 80% tập thể đạt tiêu chuẩn “Nếp sống văn hóa công nghiệp” trên tổng số đăng ký. Với nhiều phong trào thi đua như “Người tốt, việc tốt”, “Sáng kiến sáng tạo”, “Công nhân giỏi”…, hầu hết đơn vị xây dựng được nội quy lao động, quy ước giao tiếp ứng xử, quy định về vệ sinh môi trường… Nhiều đơn vị hình thành được lề lối làm việc, hội họp đúng giờ, giải quyết công việc kịp thời, đúng luật; xây dựng được bộ quy tắc ứng xử của cán bộ CNVCLĐ…
PCT UBND TP Lê Hồng Sơn trao Bằng khen và cờ thi đua cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc
|
Bên cạnh đó, mỗi năm có gần 1.500 lượt CĐCS tổ chức cho trên 500.000 lượt CNVCLĐ tham gia học tập, nghiên cứu tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; 651.486 lượt CNVCLĐ học tập nghiên cứu các nghị quyết của Đảng và công đoàn; 2.942 CĐCS phối hợp với chính quyền tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 193.692 lượt CNVCLĐ… Tỷ lệ gia đình CNVCLĐ đạt tiêu chuẩn văn hóa luôn đạt 95 - 98%.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Ngô Văn Tuyến cũng cho rằng, thực hiện CVĐ thời gian qua còn không đồng đều giữa các địa phương, ngành, đơn vị, ở những thời điểm khác nhau. Việc chỉ đạo, thực hiện CVĐ trong khu vực ngoài nhà nước còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức.
Một số đơn vị tập trung thực hiện những nội dung thiên về công tác chuyên môn, sản xuất kinh doanh; tập trung xây dựng nếp sống văn hóa trong nội bộ đơn vị mà thiếu quan tâm xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng; một bộ phận CNVCLĐ còn thờ ơ với CVĐ, ý thức chấp hành pháp luật và chính sách chưa cao, ngại học tập…
Từ đó, Ban thường vụ LĐLĐ TP yêu cầu những năm tới, các cấp công đoàn Thủ đô phải tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, để CVĐ “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” phát triển ngày càng sâu rộng, đồng đều, thực chất và bền vững.
Phấn đấu 100% CĐCS triển khai thực hiện và tổ chức cho 100% tập thể, 90% cá nhân đăng ký thực hiện CVĐ hàng năm; tối thiểu 60% đơn vị được công nhận cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa; tối thiểu 90% gia đình CNVCLĐ đạt Gia đình văn hóa. 1 trong 4 nhóm giải pháp được đặt ra là các cấp công đoàn cần nâng cao năng lực hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, đặc biệt ở cấp cơ sở; tăng cường vai trò thường trực của tổ chức công đoàn và ngành văn hóa thể thao trong việc phối hợp triển khai CVĐ.
Biểu dương cố gắng của các cấp công đoàn Thủ đô trong thực hiện CVĐ, tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng nhấn mạnh: Đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách và không chuyên trách của Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, thời gian tới chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, duy trì tốt phong trào công nhân, để Thủ đô luôn là địa phương đi đầu trong cả nước. Với địa bàn có tới 11 khu công nghiệp, việc xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng tư tưởng chính trị trong giai cấp công nhân cần tiếp tục được TP xác định là một nhiệm vụ trọng tâm được tổ chức thực hiện bài bản.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, TP, LĐLĐ Thành phố đã trao Cờ thi đua, Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào văn hóa thể thao năm 2015 và CVĐ “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” giai đoạn 2001 - 2015.