Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa doanh nghiệp Nhà nước trở thành “chim đầu đàn”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án phát triển Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các DN thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương của Đảng trong thời kỳ mới.

Thế nào là sếu đầu đàn?
Theo đề xuất ban đầu của Bộ KH&ĐT tại dự thảo Đề án, có 7 DNNN được nghiên cứu thí điểm gồm: 3 DN thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (Viettel, VNPT, MobiFone), 2 DN thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (Tập đoàn Điện lực EVN và Tập đoàn Dầu khí PVN), 1 DN thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Vietcombank thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Trong phần xác định tiêu chí để lựa chọn DNNN tham gia thí điểm Đề án, Bộ KH&ĐT đã xác định 5 tiêu chí.
Thứ nhất, tổng tài sản trên 20.000 tỷ đồng, ROE (lợi nhuận trên vốn) lớn hơn 6. Hai là, phải đạt được thị phần đủ lớn để có khả năng chi phối thị trường. Như vậy, DN "sếu đầu đàn" phải có được mức chiếm thị phần từ 30% trở lên. Ba là, phải có hệ thống quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD… đạt được yêu cầu tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, trang thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến…
 Nhân viên EVN làm việc tại Công ty Truyền dẫn điện Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Bốn là, hoạt động trong những ngành có tính chất lan tỏa, dẫn dắt (không thuộc ngành, lĩnh vực Nhà nước độc quyền). Năm là cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước. Ưu tiên lựa chọn các DN đa dạng hóa sở hữu hoặc có khả năng đa dạng hóa sở hữu trong thời gian tới, với Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, hiện DNNN chỉ chiếm khoảng 0,07% số DN cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các DN trên thị trường và 30% GDP; chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh…
“Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của DNNN phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực DN khác. Đại hội XIII cũng đặt mục tiêu rất rõ tới các mốc năm 2025, 2030 và 2045, phải xây dựng được một nền kinh tế có tính tự chủ cao hơn, sức chống chịu tốt hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Làm chủ công nghệ lõi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung đánh giá, trong phần việc kế tục của 35 năm cải cách, đổi mới, thị trường và thu hút nhân tài là 2 điểm chính. Ngoài ra, còn một nhánh khác cần ưu tiên là phát triển kinh tế số, thúc đẩy CMCN 4.0, đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh hiện tại, thị trường và thúc đẩy sáng tạo là hai nhánh của kinh tế thị trường.

Theo Bộ KH&ĐT, lý do chọn MobiFone vì đây cũng là DN có công nghệ và hệ thống quản trị tốt do trước đây đã được kế thừa các kinh nghiệm quản trị của Tập đoàn Kinnevik/Comvik (Thụy Điển) theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Đặc biệt, MobiFone đang định hướng tập trung chuyển đổi số mạnh và xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm chuyển đổi số cho các DN tư nhân (trong đó có các DN nhỏ và vừa). Hay Viettel đang xây dựng và phát triển lĩnh vực công nghiệp, tập trung vào 3 mảng là công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp an ninh mạng; phấn đấu từ nay đến năm 2025, nằm trong Top 80 DN có doanh thu từ hoạt động quốc phòng cao trên thế giới. Còn tầm nhìn với VNPT là chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số.
Đến năm 2030, trở thành Trung tâm số - Digital Hub ở khu vực châu Á và chủ động, tiên phong tham gia gánh vác 3 trụ cột của nền kinh tế số Việt Nam. Dù cả VNPT, MobiFone, Viettel tuy là cùng mảng viễn thông nhưng lại có những định hướng khác nhau nên không giẫm chân trong lĩnh vực hoạt động.

Việc lựa chọn EVN cũng với các lý do về năng lực hiện tại của DN, như chiếm tỷ trọng gần 50% sản lượng điện toàn quốc, có kinh nghiệm chuyên môn và thực tế đầu tư trong lĩnh vực điện, đặc biệt là năng lượng sạch… Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tiềm lực mạnh mẽ về tài chính và khoa học, công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, để trở thành Tập đoàn ngang tầm với các nước khác trong khu vực (Thái Lan, Malaysia...). Vietcombank là đại diện cho ngành tài chính, ngân hàng với lợi thế về hệ thống quản trị DN, rủi ro và hiệu quả kinh doanh tốt…

Thiết kế chính sách cho DN “đầu đàn” bứt phá

Vấn đề cần giải quyết là cơ chế nào để DNNN tối đa hóa nguồn lực đang nắm giữ. Theo giới chuyên gia, muốn có tập đoàn đầu đàn trước hết phải áp đặt cơ chế, kỷ luật thị trường đối với các DNNN một cách đầy đủ, nghiêm túc để thúc đẩy tiến trình cải cách cũng như tạo dựng, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng thật sự.

Giải pháp được xác định cho MobiFone trong thời gian tới để phát huy vai trò dẫn dắt là ưu tiên đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Với EVN, dự thảo đề xuất phương án Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ phối hợp với EVN để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo và thu hút thêm sự tham gia của các DN tư nhân trong cùng lĩnh vực.
Nghiên cứu định hướng chuyển Trung tâm điều độ thuộc EVN về Bộ Công Thương quản lý (vẫn đảm bảo quy định Nhà nước độc quyền trong lĩnh vực truyền tải điện) để thực hiện cổ phần hóa EVN trong thời gian tới, đảm bảo huy động nguồn lực tài chính và đổi mới quản trị DN.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng liệu Đề án có đưa ra những chính sách mới để “ưu tiên” cho nhóm DNNN “sếu đầu đàn” không? Về vấn đề này, Dự thảo Đề án đã đề xuất các chính sách chung, với nguyên tắc phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ các cam kết quốc tế, không làm méo mó các quan hệ trên thị trường, tạo sự cạnh tranh bình đẳng và tăng cường minh bạch, công khai của chính sách.
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, khi nghiên cứu đã xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các DN khác. Nhà nước quản lý theo mục tiêu: Giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất kinh doanh, đầu tư cho DN…
Trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số (sand box).

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh có rất nhiều cơ hội, nên chăng phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm để tận dụng được cơ hội, chứ không “bó tay, bó chân” DN. Tất nhiên, điều này phải đi kèm việc giám sát hiệu quả.

"Bài học từ kế hoạch A, B, C của những năm đầu đổi mới đã chứng minh thực tế DNNN đã không được quyền tự do kinh doanh như DN tư nhân, mà làm theo yêu cầu, nhiệm vụ của chủ sở hữu nhà nước. Nay cần để họ được tự quyết định cách thức thực hiện. Đừng khống chế DNNN chi bao nhiêu, mà quan trọng là DNNN làm ra bao nhiêu."- Nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung


"Chính sách cần theo hướng làm sao để DNNN có quyền tự chủ giống DN tư nhân. Ông chủ tịch chịu trách nhiệm và nhận quyền lợi rõ ràng. Bên cạnh đó, để làm chủ công nghệ lõi, cần phải có chiến lược, bởi công nghệ là những cái mới, có yếu tố rủi ro, nên cần cho phép DNNN “bảo toàn vốn trên tổng thể, chứ không bảo toàn vốn từng dự án”"- Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng