Đưa hàng Việt lên Tây Bắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những chuyến đưa hàng Việt về tiêu thụ, quảng bá với bà con các dân tộc khu vực Tây Bắc không chỉ thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) Thủ đô mà còn mở ra cơ hội liên kết, hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, du lịch…

Hành trình gian nan 

Để đưa hàng đến với các tỉnh Tây Bắc, cái khó đầu tiên là đi lại khó khăn, quãng đường vận chuyển khá xa nên chi phí hàng hóa tăng cao. Đó là chưa kể địa bàn tổ chức các điểm bán hàng thường tại các huyện vùng cao của hai tỉnh Sơn La, Lào Cai như: Mộc Châu, Bát Xá... Những lý do đó khiến không ít DN ngần ngại khi tham gia Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Đưa hàng Việt lên Tây Bắc - Ảnh 1
 
Bà con dân tộc tại Lào Cai mua hàng do các doanh nghiệp Hà Nội sản xuất.
 
Anh Nguyễn Văn Hảo, Phó trưởng phòng Hội chợ triển lãm của Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) Hà Nội cho biết: Việc tưởng như đơn giản là tuyên truyền để người dân biết chương trình cũng không dễ thực hiện, bởi bà con vùng cao không phải ai cũng thông thạo tiếng phổ thông. Nhưng, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội" Trung tâm XTTM Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Sơn La, Lào Cai đã tổ chức huy động được gần 30 DN sản xuất tham gia bán hàng tại 4 Trung tâm thương mại bán hàng - liên kết trong những ngày cuối năm 2012 vừa qua. Các sản phẩm tham gia trưng bày đều là những hàng hóa sản xuất trong nước, trong đó, có nhiều mặt hàng do các DN Hà Nội sản xuất.

Mở ra cơ hội hợp tác 

Ngay từ những ngày đầu tiên, những cố gắng của ngành Công Thương và các DN Hà Nội đã được đền đáp xứng đáng khi các điểm bán hàng thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm. Doanh thu bán hàng tại mỗi điểm  đạt từ 2 - 3 tỷ đồng/ngày. 

Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh chuyên sản xuất gốm sứ Bát Tràng cho biết: Những chuyến đưa hàng Việt lên Tây Bắc đã giúp Công ty tìm được DN phân phối hàng tại thị trường Tây Bắc, điều này có tác dụng hỗ trợ DN mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm XTTM Hà Nội thêm thông tin: Ba DN của tỉnh Sơn La đăng ký là đại lý phân phối độc quyền một số mặt hàng tiêu dùng cho các DN Hà Nội. Trong đó, sản phẩm của Công ty Dược phẩm Hà Tây được Sở Y tế tỉnh Sơn La đề nghị cung cấp vào hệ thống thuốc bảo hiểm y tế tại các bệnh viện trong tỉnh…

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm XTTM Hà Nội cho biết: Để có được thành công đó, bên cạnh việc tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, điều quan trọng là DN sản xuất trực tiếp bán sản phẩm nên giá bán rẻ hơn thị trường. Chẳng hạn giá các sản phẩm của Công ty Khóa Việt Tiệp rẻ hơn thị trường đến 30 - 35% nên bán rất chạy. Công ty Khóa Việt Tiệp đã phải liên tục bổ sung hàng mới đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống của Hà Nội như dao kéo Đa Sỹ, hương thơm Xà Kiều; gốm sứ Bát Tràng… được nhiều người tiêu dùng Tây Bắc lựa chọn.

Không chỉ góp phần kích cầu, mở rộng thị trường giúp các DN tăng cường tiêu thụ hàng hóa khi mà nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các chương trình xúc tiến thương mại về nông thôn, miền núi còn là dịp gặp gỡ, giao lưu giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Đây là dịp giúp người dân các tỉnh Tây Bắc tiếp cận được với các sản phẩm sản xuất trong nước và hàng Việt Nam chất lượng cao, qua đó hạn chế việc tiêu thụ hàng giá rẻ, chất lượng thấp.