Đưa hàng Việt ra thế giới qua thương mại điện tử: "Đại lộ" gập ghềnh

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu các doanh nghiệp có sản phẩm tốt và biết vận dụng. Tuy nhiên, trên “đại lộ” này, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng Việt ra thế giới.

Ngồi tại nhà, bán xuyên quốc gia

Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ DSW Trần Thị Yến Phi cho biết, từ doanh thu 3.000 USD cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua sàn TMĐT Alibaba, sau một năm, con số này tăng lên 260.000 USD. Tiếp đà tăng trưởng này, DSW đặt mục tiêu thời gian tới kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 triệu USD, tiếp tục đưa hàng Việt thâm nhập thị trường EU.

DSW không phải là doanh nghiệp duy nhất tận dụng TMĐT xuyên biên giới để tăng kim ngạch xuất khẩu. Hiện rất nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thành công khi chuyển hướng bán hàng TMĐT xuyên biên giới.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết, trong thời gian đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tăng trưởng doanh thu 40 - 50% thông qua TMĐT xuyên biên giới. Trong đó ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, nhất là các sản phẩm như: OCOP, thủ công mỹ nghệ...

Giám đốc khu vực phía Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam Trịnh Khắc Toàn cho biết, TMĐT xuyên biên giới mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu, bởi phương thức kinh doanh này cắt bỏ hầu hết khâu trung gian của xuất khẩu truyền thống, dễ dàng tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn cầu, nhờ đó tiết kiệm được chi phí và tăng lợi nhuận bán hàng. Đồng thời kiểm soát tốt hơn thị trường và vòng đời sản phẩm nhờ sự phản hồi nhanh chóng từ khách hàng.

“Hiện có hơn 7,2 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang được bán tại nền tảng này trên khắp toàn cầu” - ông Trịnh Khắc Toàn dẫn chứng.

Người tiêu dùng mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử
Người tiêu dùng mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử

Thông tin từ Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, với mức doanh thu dự kiến 7.385 tỷ USD vào năm 2025.

Phó Giám đốc Trung tâm Tin học & Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số) Bùi Huy Hoàng cho biết, năm 2021, doanh thu TMĐT bán lẻ của Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD. Quy mô thị trường B2C TMĐT ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dự báo giai đoạn 2022 - 2025, TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

“Amazon Global Selling dự báo doanh thu xuất khẩu TMĐT B2C của người bán tại Việt Nam có thể đạt 256,1 nghìn tỷ đồng trong 5 năm tới” - ông Bùi Huy Hoàng nêu rõ. 

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, những con số triển vọng trên đã chứng minh, doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc sử dụng TMĐT để bán được sản phẩm ra nước ngoài, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, tiết giảm thời gian, chi phí so với giai đoạn trước.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù TMĐT tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tuy nhiên đối nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, TMĐT xuyên biên giới còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý.

Người tiêu dùng mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử
Người tiêu dùng mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử

Đại diện Công Ty CP Đầu Tư Xuất Nhập Khẩu ARTEX chia sẻ, đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên quá trình đăng ký trở thành đối tác của các sàn TMĐT quốc tế như Amazon không hề dễ dàng, phải trải qua nhiều bước thẩm duyệt của Amazon. Hàng hóa phải chuẩn, đáp ứng tiêu chí của thị trường; Phải trải qua quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Cụ thể, sản phẩm phải bảo đảm đáp ứng những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc và tiêu chí chất lượng sản phẩm, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế; bao bì sản phẩm và quy cách đóng gói cũng phải theo tiêu chuẩn từ phía Amazon. Lên được sàn rồi, DN vẫn phải tiếp tục có chiến lược tiếp thị, quảng cáo và quản lý hàng hóa phù hợp…

Còn Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải chia sẻ, bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng, TMĐT xuyên biên giới vẫn tồn tại những bất cập đối với các doanh nghiệp Việt Nam như: Thông tin, năng lực, chi phí, quy định...

“Kết quả khảo sát của Amazon cho thấy có đến 80% doanh nghiệp cho rằng thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; 81% doanh nghiệp thừa nhận chưa được chuẩn bị để đáp ứng sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài” - ông Vũ Thanh Hải nêu ví dụ.

 

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra trong đó là đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số Đặng Hoàng Hải

Để khắc phục những khó khăn này, tại Hội nghị “Nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua TMĐT xuyên biên giới” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) vừa tổ chức, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh khuyến nghị, để tham gia vào TMĐT xuyên biên giới, các doanh nghiệp cần phải có hiểu biết rất rõ về quy định, quy luật, hợp tác quốc tế, logistics, thanh toán quốc tế.

Trong khi đó Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam Nguyễn Hoàng Việt Trang chia sẻ, để bắt đầu bán hàng trên Amazon, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách hàng từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp.

Dưới góc độ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ thông qua Amazon, ông Vũ Thanh Hải  nêu rõ, sau gần 1 năm Tập đoàn Sunhouse hợp tác với Amazon đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ tiêu thụ cho thấy doanh nghiệp muốn khai thác thị trường này cần tìm hiểu rõ ngành nào, nhóm sản phẩm nào phù hợp để đưa vào Amazon. Đồng thời là hàng có lợi thế về thuế xuất so với sản phẩm tương tự do Trung Quốc sản xuất, từ đó doanh nghiệp Việt mới cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc.

Phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, để doanh nghiệp Việt Nam làm quen với khái niệm và thủ tục liên quan đến xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần