Dưa hấu Việt Nam khó cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/4, Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) đã phát đi thông báo về tình hình sản xuất, tiêu thụ và thị hiếu tiêu dùng dưa hấu tại thị trường Trung Quốc.

Theo đó, sản lượng dưa hấu tại Trung Quốc tăng đều qua các năm gần đây (từ 72 triệu tấn năm 2013 lên 77,5 triệu tấn năm 2016). Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, mỗi năm Trung Quốc sẽ tăng khoảng 1% (khoảng 2,2 triệu ha) diện tích trồng dưa hấu, dưa lưới trong giai đoạn 2015 - 2020.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, Trung Quốc đang thu hẹp dần các khu vực trồng dưa nhỏ lẻ và thay thế bằng những vùng trồng có điều kiện tự nhiên phù hợp, quy mô sản xuất lớn, đồng đều đối với loại nông sản có tính mùa vụ cao. Từ cuối năm 2016, các hộ nông dân Trung Quốc có xu hướng trồng dưa trái vụ và đồng loạt xuống giống với diện tích lớn, nhằm vào thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán khiến lượng cung ra thị trường tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Do nguồn cung nội địa tăng mạnh, giá dưa hấu tại thị trường Trung Quốc đã giảm sâu vào tháng 1/2017 và sau tháng 2/2017. Ngoài ra, một lượng nhất định dưa hấu nhập khẩu từ Lào và Myanma qua các cửa khẩu của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang cạnh tranh mạnh với dưa hấu của Việt Nam do có giá rẻ hơn và trùng với thời điểm thu hoạch dưa hấu tại miền Nam Việt Nam. Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng khoảng 3 - 4kg/quả (dưa hấu Việt Nam thường có trọng lượng cao hơn).
Đại diện Bộ Công Thương nêu rõ: Trước tình hình trên, các DN, hộ nông dân nắm tình hình và chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh dưa hấu trong thời gian tới. Hiện nay, nông dân trồng dưa hấu các tỉnh Bình Định, Phú Yên... đang đối mặt với tình trạng giá dưa rất rẻ khiến người trồng thua lỗ. Nguyên nhân khiến giá dưa hấu giảm mạnh là do người dân tự động mở rộng diện tích trồng và đặc biệt, do thương lái chấp nhận mất tiền đặt cọc mua hàng khiến nguồn cung tăng mạnh, giá giảm xuống.
Theo Bộ Công Thương, cùng với việc quy hoạch lại cây trồng, nhiều ý kiến đề xuất rằng các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh việc thành lập các tổ hợp tác, nhóm hộ, kêu gọi DN hỗ trợ nông dân, tìm đầu ra ổn định.