Đưa lãi suất cho vay cũ về dưới 15%/năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù lãi suất (LS) giảm chưa tương xứng với kỳ vọng của doanh nghiệp (DN) nhưng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, mức giảm từ 3 - 6% của LS cho vay đã chứng tỏ nỗ lực của hệ thống ngân hàng.

"Đây là lúc chúng ta phải lựa chọn, sàng lọc những DN làm ăn không hiệu quả và tăng tín dụng một cách lành mạnh"- ông Bình nói.
 
Tín dụng ì ạch - không hoảng hốt

Số liệu NHNN đưa ra tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngành ngân hàng  6 tháng đầu năm 2012 cho biết, tính đến 30/6, tín dụng tăng trưởng 0,76% so với cuối 2011. Nếu tính cả số dư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác, mức tăng trưởng khoảng 1,4%.  Riêng tại Hà Nội, lần đầu tiên trong vòng 10 năm, tín dụng chỉ tăng 2,35% và cũng chỉ tăng được ở 3 tháng gần đây. 

“Để tăng tín dụng 6 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên, đồng thời bơm vốn cho tiêu dùng để tạo cầu. Vietcombank đã và sẽ tìm mọi cách kéo LS đi xuống, đồng thời ngồi lại cùng DN tìm cách gõ khó. Đây thực ra cũng là biện pháp ngân hàng tự mình cứu mình. Ôm tín dụng mà không bơm ra được thì chết.” - Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng Giám đốc Vietcombank
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, tăng trưởng tín dụng thấp, tồn kho tăng cao, nhu cầu thị trường không lớn, DN khó khăn... là những vấn đề cần khắc phục hiện nay. Ông Bình cho rằng, không nên quá hoảng hốt bởi trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế thế giới đang chậm lại thì tình hình Việt Nam nhìn chung phù hợp với xu thế chung của thế giới. "Nói vậy không phải để tô hồng hay lạc quan quá mà để chúng ta xét xem chính sách đang triển khai có đi đúng hướng không, trên cơ sở đó hoạch định chính sách cho những mục tiêu tiếp theo"- ông Bình giải thích.

Tồn kho cao, khả năng hấp thụ vốn yếu, cầu thấp... là nguyên nhân khiến tín dụng khó tăng. Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, nếu cầu thấp, cung cũng vô nghĩa. Sức mua cả trong nước và thị trường xuất khẩu đều giảm, bởi vậy, cần tăng kích cầu. Theo ông Thanh, nên có giải pháp và tính toán căn cơ, nếu DN sản xuất ra mà hàng không tiêu thụ được thì khó lại càng khó. Còn ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế (VIB) đánh giá, việc giảm LS cho vay gây hiệu ứng tốt nhưng không phải là yếu tố duy nhất để kích thích tăng tín dụng. 

Tăng trưởng tín dụng 8 - 10% trong 6 tháng cuối năm

Tại Hội nghị, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 8 - 10% trong 6 tháng cuối năm. Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng cần có sự đồng bộ các giải pháp từ phía chính sách kinh tế vĩ mô. 

Đại diện Vietcombank kiến nghị, Chính phủ nên kiên quyết cơ cấu sớm lại nền kinh tế, tạo cầu cho nền kinh tế. Đặc biệt, cơ cấu lại DN là điều cần làm sớm. DN nào sắp “chết”, cần để cho phá sản, đừng để "ung nhọt" tồn tại mãi. Nếu không sẽ luôn phải tìm giải pháp hỗ trợ, kéo theo nhiều hệ lụy. Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, một mình chính sách tiền tệ không giải quyết hết vấn đề, phải kết hợp đồng bộ các chính sách khác, không ép quá để ngân hàng còn có hơi mà thở.

Trước dư luận về việc DN vẫn kêu LS cho vay cao, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình yêu cầu, các ngân hàng phải ngồi lại, bàn xem LS thực sự có cao không? Nếu cao phải giảm xuống để tiếp cận với DN. Hàng tháng, tổ chức tín dụng phải kiểm điểm xem đã hết lòng với DN hay chưa?.

Thống đốc yêu cầu Hà Nội cần chỉ đạo các ngân hàng đưa LS các khoản vay cũ về dưới 15%/năm ngay từ ngày 15/7, thay vì mục tiêu phấn đấu đưa LS về dưới 20% trong bài phát biểu của lãnh đạo NHNN Chi nhánh Hà Nội. Đây cũng là chỉ đạo mà Thống đốc yêu cầu toàn ngành ngân hàng phải thực hiện được.

“Chúng tôi cho rằng, cần có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Quỹ bảo lãnh cho DN vừa và nhỏ. Hà Nội đã có Quỹ này nhưng 8 năm qua hiệu quả vẫn chưa cao do các ngân hàng tham gia chưa có cơ chế bảo toàn vốn.” - Bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần