Đưa lò xử lý rác thải "made in Việt Nam" vào hoạt động
Thông tin từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho thấy, trung bình mỗi ngày, công nhân thu gom gần 7.000 - 7.500 tấn rác thải. Thực tế cho thấy khi lượng rác thải của TP Hà Nội ngày càng tăng, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý rác thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ngoài các khu xử lý rác nhỏ lẻ thì Hà Nội chỉ có 3 khu vực xử lý rác chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây) và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Nam Từ Liêm). Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn có công suất lớn nhất, với gần 4.000 tấn rác/ngày.
Phương thức xử lý rác thải ở các khu xử lý trên hiện chủ yếu vẫn là chôn lấp, chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý, chính vì thế mà qua thời gian, diện tích dùng để chôn lấp bị thu hẹp, hạ tầng quá tải dẫn đến phát sinh các sự cố.
Theo các chuyên gia môi trường để giảm thiểu tình trạng quá tải đòi hỏi phải đưa công nghệ tiên tiến vào xử lý rác thải như công nghệ đốt rác, công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng... Nắm bắt được thực tế đô thị hóa và vấn đề rác thải trở thành vấn nạn trong xã hội, năm 2015 Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam với thâm niên 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất thiết bị khoa học đã bắt tay nghiên cứu và chế tạo thành công Lò đốt rác thải sinh hoạt Model CNC có công suất từ từ 7,2 tấn/ngày đến 120 tấn/ngày/lò đốt.
Chủ tịch T-TECH Việt Nam Nguyễn Đình Trọng chia sẻ, sản phẩm lò đốt rác “Made in Vietnam” do T-TECH sản xuất được tích hợp nhiều nguyên lý khoa học một cách bài bản, tạo thành một chu trình công nghệ khép kín và tối ưu, từ khâu Sấy rác - Đốt rác - Đốt tro - Đốt khí - Tản nhiệt - Bẫy bụi và Xử lý khí độc. “Thông qua chu trình công nghệ hiện đại giúp cho Lò đốt rác T-TECH có thể đốt kiệt rác mà không tạo ra ô nhiễm thứ cấp, khí thải đầu ra luôn đạt theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN: 61-MT:2016/BTNMT của Bộ TN&MT giúp giải quyết bài toán rác thải đang gây bức xúc ở rất nhiều địa phương”-ông Trọng khẳng định.
Mặc dù model lò đốt rác thải sinh hoạt của Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam tích hợp nhiều công nghệ hiện đại nhưng giá thành sản phẩm lại phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với các xã nông thôn mới, tùy theo số dân, cần đầu tư lò đốt trị giá 1-2 tỷ đồng. Ở cấp huyện, thị trấn có thể chọn sản phẩm giá 3-6 tỷ đồng. Suất đầu tư nhà máy xử lý rác cho cấp tỉnh, quy mô lớn và hoàn thiện (từ 100 tấn – 1000 tấn/ngày), đảm bảo chất lượng xử lý môi trường trong quá trình đốt.
Nhà máy có khả năng tái chế hạt nhựa tiêu chuẩn, phân hữu cơ cao cấp, sản xuất gạch không nung và một số sản phẩm tái chế khác (tái chế tới 50% lượng rác, chôn lấp dưới 5%).
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất
Mặc dù lò đốt rác thải sinh hoạt bằng công nghệ cao đã góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, giảm thiểu quá tải cho các bãi xử lý chất thải, nhưng để doanh nghiệp phát triển loại hình công nghệ này còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường Việt Nam Nguyễn Ngọc Sinh, hiện đầu tư phát triển các dự án đốt rác phát điện ở nước ta hiện nay gặp phải không ít khó khăn trở ngại, do cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tham gia.
Đồng tình với phản ánh này, Chủ tịch T-TECH Việt Nam Nguyễn Đình Trọng kiến nghị, để các dự án điện rác thực sự phát triển hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp như tăng cường hỗ trợ các dự án đốt rác phát điện lựa chọn công nghệ tiên tiến và kỹ thuật phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư và xuất khẩu.
Ưu đãi về thuế nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.Ngoài ra, cần bổ sung quy định về ưu đãi giá đối với các dự án ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực biến rác thải thành năng lượng như công nghệ phát điện dựa trên khí hóa, công nghệ phát điện từ khí sinh học...
Tại “Hội chợ sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội năm 2024, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam Lê Văn Quảng cũng đề xuất nhà nước nên hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tự chủ sản xuất được các trang thiết bị và công nghệ của các nhà máy đốt rác phát điện. Nguyên nhân là bởi trang thiết bị sản xuất ở trong nước sẽ phù hợp hơn với đặc điểm điều kiện thực tế, giá đầu tư thấp hơn, đồng thời còn tạo ra điều kiện bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế công nghệ sản xuất nhanh chóng và chủ động, dễ dàng hơn nhập ngoại.
Theo tinh toán của một số chuyên gia, nếu Việt Nam nội địa hóa thành công trang thiết bị đốt rác phát điện thì có thể giảm thiểu vốn đầu tư khoảng 20-30%, bảo đảm thời gian hoàn vốn chỉ còn khoảng 5-7 năm. Vì vậy, Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tự chủ sản xuất chế tạo các trang thiết bị cho các nhà máy đốt rác phát điện.