Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa lúa mì ra thế giới qua dòng Danube

Thu Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ukraine không thể xuất khẩu hầu hết ngũ cốc do bị Nga phong tỏa các cảng ở Biển Đen.

Khi mùa thu hoạch mới của Ukraine bắt đầu, những lo ngại đang dần lớn lên khi số ngũ cốc khổng lồ không thể đến những nơi đang cần, nhất là ở châu Phi và Trung Đông.

Mùa gặt bắt đầu

Ukraine thường xuất khẩu từ 6 - 7 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng. Tuy nhiên, vào tháng trước, Ukraine chỉ xuất khẩu được 2,2 triệu tấn, theo Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine.

Đưa lúa mì ra thế giới qua dòng Danube - Ảnh 1

Tệ hơn nữa, 22 triệu tấn ngũ cốc từ vụ thu hoạch năm ngoái hiện đang bị mắc kẹt bên trong Ukraine do xung đột quân sự.

Khi nông dân Ukraine bắt đầu vụ thu hoạch mùa hè trong tháng này, nhiều người lo ngại rằng họ sẽ không có nơi để dự trữ ngũ cốc mới thu hoạch nếu lệnh cấm xuất khẩu của Nga không được dỡ bỏ.

Chi phí vận chuyển là cũng là một “vấn đề lớn” cho xuất khẩu lúa mì của Ukraine.

Anna Nagurney, nhà toán học và kinh tế người Mỹ gốc Ukraine tại Đại học Massachusetts, giải thích rằng các sản phẩm nông nghiệp như lúa mì và lúa mạch là "hàng hóa dễ hỏng cần được đưa đến chợ càng sớm càng tốt" để bảo toàn chất lượng của chúng. Do vậy, với thời kỳ xuất khẩu ngũ cốc cao điểm ở Ukraine là từ tháng 7 đến tháng 12, nông dân chịu áp lực bán càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt. Giá giao lúa mạch thu hoạch ở Ukraine đến cảng Constanta của Romania hiện là 160 - 180 USD/ tấn, so với năm ngoái chỉ là 40 - 45 USD/ tấn.

Trong khi nông dân thu được ít hơn 100 USD mỗi tấn, các thương nhân kiếm được khoảng 60 USD mỗi tấn do chi phí đưa ngũ cốc ra khỏi đất nước cao, do giá nhiên liệu tăng và sự ách tắc ở biên giới.

Nhờ vào dòng Danube

Một lựa chọn khả thi là các cảng dọc sông Danube ở Tây Nam Ukraine, có khả năng vận chuyển khoảng 30% sản lượng lương thực của nước này. Ukraine cho biết xuất khẩu ngũ cốc hàng tháng có thể tăng thêm 500.000 tấn nếu lượng lương thực tồn đọng của nước này được thông qua cửa sông Bystre của tuyến đường thủy Danube - Biển Đen.

Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết, có 16 tàu đi qua cửa sông Bystre mới được mở lại trong 4 ngày qua. Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Yuriy Vaskov cho biết: “Trong 4 ngày qua, 16 tàu đã đi qua cửa sông Bystre. Chúng tôi dự định sẽ duy trì tốc độ này". Hiện 16 tàu đang chờ được chất đầy ngũ cốc của Ukraine để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Ngoài ra, hơn 90 tàu đang chờ ở kênh Sulina của Romania.

Cảng lớn nhất của Romania, Constanta, đã nổi lên như một đường dẫn chính cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Nó có kho chứa ngũ cốc hoạt động năng động nhất châu Âu và đã xử lý gần 1 triệu tấn ngũ cốc từ Ukraine kể từ khi xung đột vũ trang xảy ra bắt đầu vào tháng 2/2022.

Trong khi đó, Romania cũng đã mở lại tuyến đường sắt có từ thời Liên Xô nối cảng Galati của họ ở Danube với Ukraine sớm hơn một tháng so với dự kiến. Điều đó có nghĩa là ngũ cốc đến từ Ukraine qua Moldova có thể đến trực tiếp Galati để được chuyển lên sà lan và sau đó xa hơn, bao gồm cả đến Constanta.

Cơ sở hạ tầng hiện tại chỉ cho phép vận chuyển tối đa khoảng 1,5 triệu tấn lương thực của Ukraine vào Ba Lan, trong khi nhu cầu của Ukraine là khoảng 5 triệu tấn mỗi tháng. Warsaw cho biết việc cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ mất khoảng 3 - 4 tháng để được thực hiện.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước ông đang làm việc với Liên Hợp quốc, Ukraine và Nga để tìm giải pháp, đưa ra các hành lang an toàn ở Biển Đen cho các chuyến hàng lúa mì. Điều này sẽ làm cho dịch vụ hậu cần rẻ hơn nhiều so với các tuyến đường xuất khẩu hiện tại qua biên giới phía Tây với Ba Lan, vốn có chi phí chiếm đến gần 40% giá ngũ cốc.

Các quan chức Nga và Ukraine cũng đã gặp nhau vào tuần này tại Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về xuất khẩu ngũ cốc. Hy vọng, cuộc gặp gỡ này sẽ bước đầu giải tỏa khó khăn cho việc xuất khẩu lúa mì của Ukraine, đưa lương thực đến các vùng đang thiếu đói.