Saturday, 08:16 22/02/2014
Đua nhau mở học viện
Kinhtedothi - Sau thành công của Học viện bóng đá HA.GL - Arsenal JMG với lứa cầu thủ đầu tiên, nhiều đội bóng đang chạy đua để liên doanh với các đối tác nước ngoài. Thậm chí, người ta đang coi đó là cái mốt, là cách để chứng tỏ sự chuyên nghiệp và chịu chơi của mình.
Đại gia tuyên chiến
Hôm qua, Hà Nội T&T cho biết, có thể sẽ liên doanh với CLB lừng danh thế giới Real Madrid để thành lập học viện bóng đá trẻ tại Việt Nam. Trong cuộc họp báo tại Tây Ban Nha, ông Manuel Parreno Rodriguez, Giám đốc đào tạo và hợp tác quốc tế của Real Madrid đã bật mí thông tin đội bóng này đang lên kế hoạch xâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua một công ty tại Việt Nam với người đại diện là cựu danh thủ Nguyễn Đức Thắng, hiện giữ vai trò Giám đốc kỹ thuật của Hà Nội T&T. Trong mùa hè này, đại diện của Real Madrid sẽ có mặt tại Hà Nội để tiến hành khảo sát nhằm tổ chức một trại hè bóng đá. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, Real Madrid sẽ thành lập học viện bóng đá tại Việt Nam và đối tác sẽ là Hà Nội T&T.
![]() Một buổi luyện tập của các học viên Học viện HA.GL - Arsenal JMG. Ảnh: Quang Minh
|
Quả thực, thành công của HA.GL với lứa cầu thủ đang là nòng cốt của đội U19 Việt Nam đang khiến làng bóng đá Việt Nam sôi sùng sục. Bên cạnh yếu tố chuyên môn, người ta nhận ra rằng, thành lập các học viện bóng đá cũng là kênh rất tốt để quảng bá thương hiệu. Thông qua đó, các ông bầu cũng nhận được sự ủng hộ lớn của dư luận với tư cách là người hết lòng vì bóng đá Việt. Đó là chưa kể đến việc, các đội bóng hoàn toàn có thể kiếm tiền từ việc thu hút tài trợ nhờ sự hợp tác với những CLB tiếng tăm.
Hai ông lớn khác là Bình Dương và Viettel cũng đã tiến hành các bước đi cần thiết để hợp tác với đối tác nước ngoài. Bình Dương đã có những mối liên hệ với một đội bóng lừng danh Vương quốc Anh. Trong khi đó, Viettel đã cử hẳn một đoàn sang Đức để đàm phán với đội bóng lừng danh Bayern Munich. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, ngay trong năm nay, Viettel sẽ công bố kế hoạch đầy tham vọng với sự tham gia của đội bóng nước Đức.
VFF cũng nhập cuộc
Có vẻ như VFF cũng đang muốn tham gia sâu hơn vào công tác đào tạo trẻ sau rất nhiều chỉ trích từ dư luận. Hiện, VFF đang có hai lớp đào tạo trẻ ở các lứa U16 và U18. Trên lý thuyết, đây là lứa cầu thủ chuẩn bị cho Asiad 2018 khi Việt Nam là nước chủ nhà. Hàng năm, VFF nhận được kinh phí đào tạo trẻ lên đến 10 tỷ đồng nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, đào tạo cầu thủ từ 16 tuổi không mang đến đột phá về chuyên môn. Hơn thế nữa, VFF không chủ động được đầu vào cầu thủ nên chất lượng cầu thủ không được như mong muốn. Theo quan điểm của Quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, người nhiều khả năng sẽ ngồi ghế nóng sau đại hội nhiệm kỳ VII sắp tới thì công tác đào tạo trẻ phải được cải tổ. VFF phải làm từ gốc mới mong tìm kiếm được những cầu thủ tài năng. Có nghĩa VFF phải thông qua các đối tác nước ngoài (nhiều khả năng là Nhật Bản) sẽ trực tiếp tiến hành các đợt tuyển chọn và đào tạo cầu thủ từ 10 - 11 tuổi. Lúc đó, VFF sẽ có riêng cho mình một hệ thống đào tạo trẻ và chủ động được nguồn cầu thủ cho các đội tuyển quốc gia trong tương lai. Xem ra, bóng đá Việt Nam đang chứng kiến một cuộc đua mới, đó là cuộc đua mở học viện bóng đá.