Kinhtedothi - Trước khi lên đường sang Việt Nam nhận nhiệm vụ, tân Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói nước Nga đã khẳng định, mục tiêu ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ là đưa quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới.
Theo Đại sứ Vnukov, mục tiêu tăng cường và phát triển quan hệ Nga - Việt, nhất là trong lĩnh vực thương mại, tuy phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng có nhiều triển vọng để hoàn thành. Năm 2014, khối lượng trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã đạt khoảng 4 tỷ USD, nhiệm vụ cho năm nay là 7 tỷ USD và đến năm 2020 là 10 tỷ USD. Những con số đầy tham vọng này phần nào phản ánh mong muốn của cả hai bên.
Đại sứ Vnukov nhấn mạnh, dựa trên tiềm năng thực sự của hai nước cũng như truyền thống hợp tác mà hai nước đã tích lũy được qua các thời kỳ, mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được. Đặc biệt, việc các chương trình hành động chung được xác định hàng năm chính là bản đồ "lộ trình" để hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể. Ở đây có thể kể đến sự hợp tác lâu năm và hiệu quả trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Ngoài các dự án đã được thực hiện thành công và đang khai thác, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam cũng đang được xúc tiến triển khai.
Ngành nông nghiệp cũng là một trong những trụ cột phát triển bền vững song phương nhất là trong bối cảnh Nga đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ đối tác, tìm kiếm những thị trường mới và những nhà cung cấp nông sản mới.
Theo tân Đại sứ Nga Vnukov, việc Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên mà Liên minh Kinh tế Á - Âu thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh theo hình thức ưu đãi trong khu vực thương mại tự do đã cho thấy, Việt Nam đang trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng trong thương mại toàn cầu.
Cánh cửa của không gian kinh tế Á - Âu với hơn 180 triệu dân khi được mở sẽ tạo cú hích đối với nền kinh tế Việt Nam vốn theo định hướng xuất khẩu. Còn thị trường Việt Nam - nền kinh tế phát triển năng động bậc nhất khu vực cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với Nga và các nước khác trong Cộng đồng kinh tế Á - Âu. Việc thành lập khu vực thương mại tự do với Việt Nam sẽ là bước đầu tiên hướng tới việc thành lập một khu vực tương tự giữa Cộng đồng kinh tế Á - Âu với khu vực ASEAN nhằm phục vụ lợi ích của cả hai bên.