Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa vấn đề xã hội hóa y tế vào Luật để gỡ vướng mắc thực tiễn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 21/9, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Một trong những vấn đề nhận được quan tâm là xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhà nước.

Đề cập đến vấn đề xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước, trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội, tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; quy định nguyên tắc trong việc thu hút đầu tư tư nhân và quy định các hình thức thu hút nguồn lực xã hội.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, quy định như trên vẫn còn chưa hợp lý, cần quy định theo hướng: Phân loại các hoạt động, điều kiện để thực hiện xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư; cụ thể hơn phương thức và nguyên tắc thực hiện huy động nguồn lực xã hội cũng như các hình thức đặt hoặc mượn thiết bị y tế, về tỷ lệ lợi nhuận giữa nhà đầu tư với bệnh viện và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Góp ý sau đó, nhấn mạnh việc sớm ban hành luật này là yêu cầu cấp bách, Phó Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Khắc Định cho rằng, đây là sự mong đợi từng ngày từng giờ của ngành y tế cũng như người dân, tạo khuôn khổ pháp lý mới để tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân tốt hơn công bằng, bình đẳng hơn Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, còn những nội dung lớn trong Dự Luật chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan, có đề xuất mới chưa được đánh giá tác động và một số vấn đề chưa đảm bảo thống nhất, liên thông trong hệ thống luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

“Luật hiện hành là cơ bản tốt, ngành y tế đóng góp rất lớn, rất nhiều hy sinh, thiệt thòi, nhất là qua đợt dịch vừa rồi thì không thể đong đếm được. Do đó, luật ban hành sớm được thì tốt, song không vì vậy mà khắc phục được một số bất cập hiện nay lại “đẻ” ra cái mới có khi khó khăn hơn” – Phó Chủ tịch Quốc hội  lưu ý và đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra huy động các chuyên gia rà soát, làm việc khẩn trương để đảm bảo chất lượng trình Quốc hội xem xét.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, vấn đề tài chính y tế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công, xã hội hóa... chưa thể hiện hết được tinh thần Nghị quyết của Trung ương. Như Nghị quyết 20 của Trung ương đã nói về xã hội hóa, do đó không nên nói trái với nghị quyết và có thể suy nghĩ "để thiết kế nội hàm xã hội hóa nó khác đi chứ không thể bỏ xã hội hóa". Bởi khối y tế tư nhân làm hiệu quả và đội ngũ y tế cả công - tư đều đóng góp cho xã hội.

Báo cáo thêm tại phiên họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết xã hội hóa, tài chính y tế là những nội dung mới nhận được nhiều sự quan tâm. Các nội dung này chưa quy định trong các luật khác nếu được đưa vào luật thì kỳ vọng sẽ giải quyết được các vướng mắc trong thực tiễn mà ngành y tế đang gặp phải.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình thêm tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình thêm tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ rõ, việc thực hiện xã hội hóa theo chủ trương của Đảng, nhà nước và Bộ xin tiếp thu các ý kiến để xác định nội hàm xã hội hóa ở đây như thế nào cũng như giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Ví dụ về tự chủ bệnh viện, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đây là chủ trương đúng và đã được triển khai thời gian qua, vừa góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực khám chữa bệnh, vừa nâng cao năng lực đổi mới của các bệnh viện.

Trước vấn đề tại sao thời gian qua có ý kiến của các đơn vị thực hiện tự chủ theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ, theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, vì Nghị quyết 33 của Chính phủ chỉ cho thí điểm trong 2 năm và sẽ chuyển đổi khi các pháp luật về tự chủ được quy định. Thời điểm này chúng ta đã có Nghị định 60 quy định về vấn đề tự chủ cho nên vấn đề xin dừng để chuyển sang thực hiện theo pháp luật và đã được Chính phủ cho phép là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Cũng theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, xã hội hóa trong y tế cũng rất cần thiết vì nguồn lực Nhà nước dành cho y tế chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Và dù tự chủ, xã hội hóa, vai trò của Nhà nước trong đầu tư cho y tế vẫn là trọng tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu kết luận phần thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, đến nay vẫn còn một số nội dung lớn của Dự Luật chưa thống nhất, chưa quy định cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; một số vấn đề quan trọng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mới được đề nghị bổ sung… Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị trên tinh thần tích cực.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, đây là Luật có tính chất xương sống của ngành y tế, định hướng cho công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế. Tuy nhiên, chúng ta mong đợi có luật mới nhưng cũng không vội vàng, phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, bảo đảm tính khả thi và "tuổi thọ" của Luật chứ không thể ban hành năm nay rồi năm sau lại thấy phải sửa. Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra chủ động phối hợp với tinh thần cao nhất, tích cực chuẩn bị nội dung phương án như ý kiến của Ủy ban Thường Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư tới.