Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/6, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vùng ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ trao hồ sơ Quy hoạch cho lãnh đạo 13 tỉnh, TP vùng ĐBSCL và công bố cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch. Đây là nội dung thiết thực, có ý nghĩa trong việc hiện thực hóa Quy hoạch vùng và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), 13 tỉnh, TP trong vùng ĐBSCL và nhóm 6 ngân hàng phát triển (bao gồm: ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB) thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, toàn bộ các dự án của hai Bộ và 13 tỉnh, TP trong vùng ĐBSCL đã được nhóm 6 ngân hàng phát triển bày tỏ quan tâm, với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỷ USD…

Tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây là sự kiện sẽ góp phần khơi thông, huy động các nguồn lực, là sự khởi nguồn thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của ĐBSCL trong thời gian tới. Các báo cáo đã được lãnh đạo các bộ trình bày rõ, ngắn gọn, đầy đủ; các tham luận và nhiều ý kiến phát biểu rất sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết, khoa học và thực tiễn, cũng như đã đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả.

“Nhưng để trở thành hiện thực, chúng ta đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa; đã cố gắng, nỗ lực rồi, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa; hành động quyết liệt, trọng tâm hơn nữa để thực sự có sản phẩm, kết quả, mang lại hạnh phúc, ấm no nhiều hơn cho nhân dân vùng ĐBSCL. Khi đó, chúng ta mới có thể tự tin nói Hội nghị rất thành công” - Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan triển lãm ảnh "Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển" trong khuôn khổ hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan triển lãm ảnh "Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển" trong khuôn khổ hội nghị.

Theo Thủ tướng, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh như: Có diện tích tự nhiên lớn (gần 4 triệu km2, khoảng 13% diện tích cả nước), dân số đông (khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước); hiện nay đóng góp khoảng 12% vào GDP cả nước. Thuận lợi phát triển nông nghiệp với hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu…

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, tiềm năng thì lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; phần đóng góp của vùng vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế. Đặc biệt là vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; nhất là cán bộ các cấp cần phải năng động, sáng tạo, tự tin, tận tụy, trăn trở nhiều hơn nữa. Quy mô kinh tế nhỏ, chỉ chiếm 12,08% GDP của cả nước; thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 67% so với bình quân chung cả nước.

Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu và yếu: Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chuyển tải của cải vật chất được sản xuất tại vùng ra cả nước và thế giới; thiếu cảng biển nước sâu để kết nối với quốc tế; thiếu các trung tâm tiếp vận và kho vận của vùng; giao thông đường thủy nội địa chưa được phát huy; hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn…

Khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt của vùng

Thủ tướng Chính phủ cho biết, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đưa ra 6 quan điểm phát triển ĐBSCL. Trong đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của vùng; coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước.

Thủ tướng đề nghị, cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các địa phương phải cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, bạn bè quốc tế.

Trước mắt, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tập trung xây dựng các kế hoạch và đầu tư cơ sở vật chất nhằm đầu tư toàn diện cho giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao tay nghề cho người lao động.

Về triển khai Quy hoạch vùng ĐBSCL: Các địa phương vùng ĐBSCL cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.

Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển.

Công bố nhóm 6 ngân hàng thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, với mức vốn cam kết tài trợ vào khoảng 2,2 tỷ USD.
Công bố nhóm 6 ngân hàng thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, với mức vốn cam kết tài trợ vào khoảng 2,2 tỷ USD.

Về phát triển hạ tầng: Trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Trong đó, các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, không tác động lớn tới đời sống người dân và tạo ra không gian phát triển mới.

Các địa phương cần nâng cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao chất lượng quản trị, năng lực điều hành; chịu trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Có chương trình, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Tăng cường đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu, nhất là chống sạt, lún, xâm nhập mặn, triều cường; bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản.

Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác phát triển, các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, đồng hành cùng Chính phủ trong các hoạt động phát triển ĐBSCL thịnh vượng và thích ứng với biến đổi khí hậu… “Tôi tin tưởng rằng với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, vùng ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá. ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập của người dân ngày một nâng cao; người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc…” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn.