Mỹ, quốc gia đặt tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu, hiện đang phản đối dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga và cảnh báo trừng phạt các công ty nếu tham gia dự án này.
Ngày 28/8, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vì gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Đức. Ngoại trưởng Maas nói rằng các lệnh cấm vận của Washington áp đặt đối với Moscow sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU).
"Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được khi Mỹ muốn sử dụng các biện pháp trừng phạt để gây ảnh hưởng đến chính sách năng lượng của châu Âu", ông Maas phát biểu trong hội nghị các đại sứ ở Bộ Ngoại giao tại Berlin.
Ngoại trưởng Đức cũng khẳng định Đức cũng như các nước châu Âu khác sẽ dựa vào yếu tố giá thành thấp để lựa chọn nhà cung cấp khí đốt.
Theo ông Maas, nếu Mỹ muốn xuất khẩu nhiều LNG hơn sang châu Âu, các nước EU sẵn sàng xem xét mở rộng cửa hơn cho các công ty cung cấp khí đốt cho khu vực này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh rằng "quyết định mua phải dựa trên giá, chứ không phải được thực thi thông qua lệnh cấm vận".
"Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định sẽ không tham gia một cuộc thảo luận nhằm cản trở thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Thay vào đo, chúng tôi sẽ hỗ trợ Ủy ban EU, tổ chức đang nỗ lực giúp Nga và Ukraine đạt thỏa thuận về việc tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine sau khi Dòng chảy Phương Bắc 2 đi vào hoạt động”, Ngoại trưởng Maas nói thêm.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là một liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom của Nga với các công ty gồm Engie của Pháp, OMV AG của Áo, Royal Dutch Shell của Anh và Hà Lan, Uniper và Wintershall của Đức.
Dự án khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine.
Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga và Mỹ với kế hoạch đầy tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu. Theo Washington, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vi phạm an ninh năng lượng của EU và cũng làm suy yếu lợi ích của Ukraine.
Nga đã nhiều lần kêu gọi các đối tác châu Âu không xem dự án này như một công cụ gây ảnh hưởng chính trị.