Ngày 9/7, các nước châu Âu còn lại trong Thỏa thuận Hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), gồm Anh, Pháp và Đức đã cáo buộc Iran về việc theo đuổi các hoạt động không phù hợp với các cam kết của họ, theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Đồng thời, giới chức 3 nước châu Âu cũng kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của các bên tham gia JCPOA để thảo luận về việc tuân thủ các cam kết của Tehran .
Hiện Anh, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc và Iran là các quốc gia tiếp tục tham gia hiệp ước hạt nhân sau khi Mỹ đã rút khỏi JCPOA hồi năm ngoái.
Tuyên bố chung của ngoại trưởng 3 nước châu Âu và Đại diện chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đưa ra ngày 9/7 nêu rõ: “Các vấn đề tuân thủ phải được giải quyết trong khuôn khổ của JCPOA và một Ủy ban hỗn hợp cần được triệu tập khẩn cấp, các bộ trưởng ngoại giao của Anh, Pháp và Đức cùng với nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu.
Theo tuyên bố chung của các nước châu Âu, phía Iran đã tuyên bố vẫn muốn tiếp tục thực hiện JCPOA, vì vậy nước này phải hành động tương ứng bằng cách đảo ngược các hoạt động vi phạm các cam kết và tuân thủ trở lại đầy đủ JCPOA ngay lập tức.
JCPOA đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi khi hồi tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ và ngân hàng.
Chính quyền Washington cho rằng cần phải đàm phán lại các điều khoản của JCPOA. Tuy nhiên, các cường quốc khác ký kết thỏa thuận này cho tới nay vẫn bảo lưu quan điểm rằng đây là một thỏa thuận công bằng, hợp lý và chấp nhận được đối với tất cả các bên.
Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 cho phép Iran tiếp cận thương mại thế giới thông qua việc dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc Tehran đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân.
JCPOA tiến sát đến nguy cơ sụp đổ trong 10 ngày gần đây, sau khi Iran tuyên bố các bước vi phạm các cam kết thỏa thuận hạt nhân khi thông báo tăng mức độ làm giàu uranium cao hơn mức cho phép theo JCPOA và tinh chế uranium ở độ tinh khiết cao hơn.
Người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi hôm 8/7 cho biết, nước này đã bắt đầu làm giàu uranium đạt tỷ lệ tới 4,5%, phá vỡ giới hạn 3,67% của JCPOA.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước, ông Behrouz Kamalvandi, nói rằng Tehran có thể xem xét việc làm giàu uranium lên mức 20% hoặc cao hơn theo các bước tiếp theo trong quá trình rút bớt các cam kết theo JCPOA.