Ý tưởng này đã nhận được sự hưởng ứng hào hứng của chuyên gia, nhưng hiến kế gì để biến ý tưởng thành hiện thực mới là chuyện khó.
Khó làm nhưng chỉ cần nghĩ sẽ làm
Những vòm cầu này tạo thành từ các trụ móng cầu cạn đường sắt do người Pháp xây dựng bằng đá hộc vào hơn 100 năm trước. Đây là gói thầu do Nha công chính Đông Dương đảm nhiệm. Tổng cộng có 131 vòm cầu, 4 vòm cầu đã được đục thông làm đường đi, 127 vòm cầu khác vẫn bị bịt. Theo trí nhớ của KTS Trần Huy Ánh, một người con có gần 60 năm sinh sống tại Hà Nội, thì những năm 70 của thế kỷ trước, Hà Nội đón nhận trận lụt lớn, người dân ngoài bờ đê sông Hồng đã biến nơi đây thành nơi trú ngụ. Hết lụt người dân từ vùng kinh tế mới trở về, nhiều người vô gia cư che bạt, chiếm từng gầm cầu làm nơi sinh hoạt. Hút chích, mại dâm, ăn xin… đủ mọi tệ nạn tồn tại ở gần cầu đến gần 20 năm. Chính vì vậy, đầu năm 90 của thế kỷ XIX, TP Hà Nội đã quyết định bịt các gầm cầu.
“Quyết định bịt gầm cầu ở thời điểm đó đã triệt phá được tệ nạn. Thế nhưng, qua thời gian, khu vực bên cạnh các gầm đã bịt là nơi đỗ xe, tiểu tiện bừa bãi. Khi mà việc quản trị của TP đã tốt hơn, thông minh hơn thì ý tưởng đục thông các gầm cầu là điều nên làm” – ông Trần Huy Ánh bày tỏ.
Trên thực tế, cách đây gần 10 năm, KTS Nguyễn Nga, một Việt kiều Pháp cũng từng đề xuất ý tưởng biến các gầm cầu này thành các bảo tàng văn hóa, kết nối với bốt hàng Đậu, khu vực bãi sông Hồng thành các địa chỉ văn hóa. Tuy nhiên, ý tưởng đó đã không thể thực hiện bởi vì, theo KTS Trần Huy Ánh đây là ý tưởng viển vông, không được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, KTS Trần Huy Ánh lại cổ vũ cao ý tưởng của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, bởi theo ông, ở thời điểm hiện nay thì có thể dù còn khó khăn nhưng sẽ làm đã là điều tốt.
Nét văn hóa riêng từ tiếng tàu
Có chiều cao dao động từ 2 – 6m, những vòm cầu này được thiết kế với độ rộng tương đương nhau (khoảng 16m2 sàn cho mỗi vòm cầu). Theo thời gian, các lớp đá hộc tại vòm cầu đã bạc màu và mang lại cho kiến trúc này một vẻ xưa cũ. Do vậy, theo các KTS, sau khi đục thông, các phương án về chất liệu thiết kế, màu sắc, chiếu sáng.... ở những vòm cầu này cũng cần được tính toán kỹ khi khai thác. “Đây là kiến trúc có tính lịch sử, văn hóa cao. Chúng ta đừng chỉ khen vòm cầu đẹp mà quên rằng trong cả trăm năm tồn tại, kiến trúc này cũng là một nhân chứng lịch sử của Hà Nội với bao câu chuyện về sinh hoạt thời Pháp thuộc, về những người vô gia cư thời chống Mỹ, về những gia đình chạy lụt từ bãi Phúc Xá ghé vào đây...” – KTS Trần Huy Ánh bày tỏ.
Đặc biệt, theo KTS Lại Thành Tín không nên chỉ nghĩ đến đục thông gầm cầu sử dụng vào chức năng văn hóa, mà cần song song cho thuê kinh doanh. Bởi vì, nếu chỉ dùng sinh hoạt văn hóa thì kinh phí duy tu, bảo dưỡng lấy từ nguồn ngân sách sẽ lớn, cần lấy thu bù chi cho dự án này. Tại các nơi sinh hoạt văn hóa cũng cần đan xen ô bán quầy lưu niệm, ô biểu diễn nghệ thuật và thậm chí còn tính cả đến nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của khu dân cư quanh khu vực đó.
Cho dù nhiều người lo ngại khó mà kinh doanh trên con phố mà đường sắt chạy phía trên. Song, các chuyên gia phân tích, con đường sắt này đã tồn tại hàng trăm năm, trên các con phố Cửa Đông, Phùng Hưng… người dân vẫn kinh doanh thành công. “Việc tàu hỏa chạy qua đầu không ngại. Tôi cho đó là một nét văn hóa riêng của khu vực này. Nếu quan sát thực tế, gần đó có nhiều hàng kinh doanh ăn uống. Tôi từng ăn ở đó rồi, mọi người ngồi ăn thoải mái và không quan tâm tới tàu chạy qua, thậm chí thấy vui vui” – KTS Lại Thành Tín chia sẻ.
Đường đi bộ giữa phố, tại sao không?
Nhiều người lo lắng việc đục thông các vòm cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến kết cấu giao thông đường sắt, có thể khiến con đường bị nứt, đổ. Theo nhiều chuyên gia, nếu đục thông các gầm cầu sẽ phải đối mặt với 2 vấn đề, kết cấu giao thông và tệ nạn xã hội. “Nếu giải quyết được 2 vấn đề này thì ý tưởng sẽ thành công” – KTS Trần Huy Ánh bày tỏ.
Theo nhà văn, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, người Pháp khi xây dựng các vòm cầu này cũng đã tính tới việc tạo sự thông thoáng, thuận tiện lưu thông ở trục phố dọc đường tàu. Cho dù trước kia kết cấu của công trình là để thông, nhưng trọng lượng của các đoàn tàu chỉ vài chục tấn, đến nay đã là vài trăm tấn, chưa kể là lưu lượng lưu thông dày đặc hơn. KTS Hoàng Thúc Hào cũng đưa ra mong muốn giải pháp toàn bộ tuyến đường sắt này ra khỏi nội thành, biến đường sắt phía trên vòm cầu là khu phố đi bộ. “Tuy nhiên, di dời tuyến đường sắt nội đô là điều rất khó. Dự án này đã được ngành giao thông và Ban quản lý giao thông đô thị TP nghiên cứu nhưng chưa thành” – KTS Lại Thành Tín cho biết.
Bên cạnh việc ủng hộ ý tưởng đục thông vòm cầu là lời khẳng định chung: Khu vực này cần phải quy hoạch thành phố đi bộ. “Lòng đường cạnh vòm cầu khá hẹp, đặc biệt, đoạn qua Phùng Hưng lại là trục giao thông chính. Chỉ khi thiết lập phố đi bộ, du khách mới dễ tiếp cận với các vòm cầu được biến thành cửa hàng, không gian công cộng...” – KTS Hoàng Thúc Hào nhận xét. Đặc biệt, theo KTS Lại Thành Tín, việc đục thông các vòm cầu và tổ chức đi bộ nên được ưu tiên làm trước ở khu vực phố Gầm Cầu, với chiều dài hơn 500m. Đoạn còn lại dọc phố Phùng Hưng (dài khoảng 800m) có thể xem xét làm sau vì có mật độ giao thông cao, không dễ cấm xe. “Phố Gầm Cầu nằm trong khu phố cổ, rất phù hợp để chuyển thành phố đi bộ. Việc cấm xe nên được triển khai ở phần lớn thời gian, trừ một vài tiếng trong ngày cho phép xe cơ giới lưu thông để vận chuyển các mặt hàng” – KTS Tín cho biết.
Với ý tưởng đục thông gầm cầu làm không gian văn hóa của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã được các chuyên gia hào hứng. Các chuyên gia cho rằng bất kể nơi nào nhếch nhác mà có thể cải tạo để sử dụng công năng văn hóa thì đều có thể hấp dẫn. Chỉ cần nghĩ đến việc từng ngõ đường, con phố ở Hà Nội có không gian văn hóa là Hà Nội đã trở thành một TP văn hóa thật sự. Đó mới là điều về lâu dài rất cần có ở Hà Nội.
Để thực hiện ý tưởng này không phải dễ dàng. Muốn làm sẽ phải đối mặt với một loạt câu hỏi, nếu trả lời thấu đáo thì Hà Nội thành TP rất thông minh, rất sáng tạo, nhiều cái đẹp về văn hóa. Nhưng nếu không bắt đầu thì không biết bao giờ bắt đầu. Đầu tiên hãy suy nghĩ về nó đã là tốt rồi, còn giải quyết đến đâu còn do trí tuệ của cả xã hội, không phải 1 – 2 người làm được. KTS Trần Huy Ánh Hiện tại, ý tưởng cải tạo, mở làm lối đi và quầy hàng là hoàn toàn hợp lý. Chúng ta nếu có kế hoạch quản lý tốt, gắn liền với quyền lợi của những người được kinh doanh thì sẽ bảo tồn được. Nhà văn, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến |