Đức tìm cách “né” biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nord Stream 2

Nguyễn Phương (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Truyền thông Đức cho biết chính quyền Berlin đã tìm được giải pháp để các công ty tham gia dự án Nord Stream 2 không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tờ Bild trích dẫn các nguồn tin bí mật cho biết tại Đức, một quỹ đặc biệt có thể được thành lập để “né” các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) của Nga.
Nord Stream 2 hiện đã hoàn thành hơn 96% khối lượng xây dựng.
Theo đó, chính quyền bang Mecklenburg-Vorpommern có thể thành lập quỹ biến đổi khí hậu nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo đó, quỹ này sẽ tạo điều kiện để các công ty Đức có thể cung cấp các dịch vụ cho phía Nga mà không chịu tác động từ biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tờ Bild lý giải: “Từ quan điểm kỹ thuật, sẽ không có công ty nào hợp tác với Nord Stream 2 - dự án do tập đoàn năng lượng khổng lô Gazprom của Nga dẫn đầu, vì vậy các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến họ”.
Đặc biệt, theo nguồn tin tiết lộ với tờ Bild, Đức dự kiến ​​sẽ thành lập một doanh nghiệp thương mại mà sản phẩm và dịch vụ sẽ chỉ được sử dụng để hoàn thành việc xây dựng đường ống.
Dự án Nord Stream 2 gồm 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỷ mét khối khí mỗi năm. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nord Stream 2, đã hoàn thành hơn 96% khối lượng xây dựng, đang đối mặt với ba thách thức nghiêm trọng: cần tìm người vận chuyển đường ống để hoàn thành việc xây dựng, làm thủ tục bảo hiểm, nhận chứng chỉ rằng dự án này đảm bảo an toàn và tương ứng với các quy định chuẩn mực của EU.
Trước đó, chính quyền Mỹ phản đối Nord Stream 2 khi cho rằng dự án này khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, đồng thời Washington muốn tăng thị phần khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu.
Vào tháng 10, chính phủ Tổng thống Donald Trump đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2, bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các tàu tham gia vào việc lắp đặt tuyến  đường ống khí đốt của Nga. Những hạn chế này là một phần của Luật Bảo vệ An ninh Năng lượng châu Âu (PEESA).
Nord Stream 2 có tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell). Dự án dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức./.