Đức từ chối tham gia “liên minh tự do hàng hải” tại Vịnh Ba Tư dù Mỹ kêu gọi

Nguyễn Phương (Theo Presstv)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Đức cho biết nước này không ủng hộ đề xuất của Mỹ thành lập một liên minh quân sự tại Vịnh Ba Tư nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Iran.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức hôm 30/7 cho biết, Mỹ vừa qua đã  đề xuất thành lập một liên minh quân sự nhằm bảo vệ tự do hàng hải tại Vịnh Ba Tư, và yêu cầu các nước đồng minh, bao gồm Đức tham gia liên minh này.
Đức từ chối tham gia liên minh tự do hàng hải tại Vịnh Ba Tư do Mỹ đề xuất.
Thông cáo nêu rõ: “Chính phủ Đức lưu ý đề xuất này, nhưng không hứa hẹn”. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko  Maas đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng hiện tại phải dành sự ưu tiên cho các biện pháp giảm căng thẳng cũng như các nỗ lực ngoại giao tại vùng Vịnh”.
“Chúng tôi đang tham khảo ý kiến với Pháp và Vương quốc Anh. Chúng tôi cũng không tham gia chiến lược 'gây áp lực tối đa' của Mỹ đối với Iran” - hãng tin Sputnik (Nga) trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức được đưa ra ngay sau tuyên bố  của Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nói rằng Berlin đang hợp tác chặt chẽ với ParisLondon trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Vịnh Ba Tư.
“Tất cả các chính trị gia có trách nhiệm phải quan sát tình hình một cách tỉnh táo và cẩn thận, đặc biệt tránh việc đẩy căng thẳng đang kéo dài thành một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn”, Bộ trưởng Scholz nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn trên tờ Funke hôm 30/7.
Trước đó, hôm 30/7, Mỹ đã gia tăng áp lực ngoại giao đối với Đức và chính thức yêu cầu quốc gia Tây Âu này tham gia sứ mệnh hàng hải ở Vịnh Ba Tư nhằm chống lại mối đe dọa từ Iran.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 30/7, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Đức, bà Tamara Sternberg-Greller, cho biết: “Chúng tôi chính thức yêu cầu Đức cùng tham gia lực lượng liên minh với Pháp và Anh để giúp bảo vệ Eo biển Hormuz và chống lại sự xâm lược của Iran.
Nhiều chính trị gia Đức đã bày tỏ sự dè dặt với đề xuất thành lập một liên minh hàng hải tại Vịnh Ba Tư, đồng thời lo ngại rằng bất kỳ động thái nào như vậy đều có thể làm gia tăng nguy cơ xâm lược quân sự đối với Iran.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần